Ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc đề ra những quyết sách để thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá trong bối cảnh dịch Covid-19. |
- Thưa ông, suốt từ năm 2020 đến nay, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng đến nên kinh tế, đặc biệt là khiến chuỗi cung ứng hàng hoá bị đứt gãy, việc cung ứng hàng hoá tại một số địa phương phía Nam gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp kết nối cung cầu, sáng tạo trong việc phân phối hàng hoá vùng có dịch, đưa hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng. Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của những hoạt động này? Trước hết phải nói rằng sứ mệnh của Bộ Công Thương trong nền kinh tế là vô cùng quan trọng, là bộ lo cả phần hỗ trợ cho sản xuất lẫn lưu thông hàng hoá trong nước và nước ngoài. Những năm qua, Bộ Công Thương luôn luôn là Bộ đi đầu trong quá trình cải cách hành chính cũng như mở cửa hội nhập nền kinh tế đất nước. Cho nên tôi thấy có một đặc trưng chung là trong tư duy và hành động của Bộ Công Thương bao giờ cũng thể hiện tinh thần đổi mới và hội nhập. Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng cho thấy sự năng động trên tinh thần đổi mới của Bộ Công Thương. Thời gian qua, dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, kể cả vật tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho thị trường trong nước và thế giới đều gặp khó. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy, Bộ Công Thương đã rất sáng tạo trong việc đưa ra những giải pháp cụ thể, phối hợp uyển chuyển với các địa phương để thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ. Ví dụ điển hình, từ sự việc đưa hàng hóa thiết yếu tới những vùng có dịch để đảm bảo cuộc sống cho người dân cho thấy đây là những nỗ lực rất lớn của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã rất sáng tạo trong việc đưa ra những giải pháp cụ thể, phối hợp uyển chuyển với các địa phương để thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, tìm đầu ra cho hàng hóa khó tiêu thụ. Đồng thời mở cửa cho thị trường nước ngoài, để cho hàng hóa nông sản của chúng ta có thể tiếp cận các thị trường ngay trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. |
Tôi cũng rất hoan nghênh Bộ Công Thương trong việc đưa ra những chủ trương, những yêu cầu phải đảm bảo lưu thông thông suốt trong điều kiện có thể ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Những công văn, những cuộc trao đổi, những can thiệp kịp thời của lãnh đạo Bộ Công Thương đến cấp địa phương trong cả nước là tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm, và kết quả là đã góp phần nối liền chuỗi cung ứng, giữ được lưu thông hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh. Đối với hoạt động xuất khẩu, ngay trong bối cảnh khó khăn, đen tối của giai đoạn dịch bệnh bùng phát, ngành Công Thương đã nỗ lực đưa ra các sáng kiến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn, vải thiều Thanh Hà, thanh long Bình Thuận… ra thị trường thế giới, thậm chí là lần đầu tiên đến với những thị trường hàng đầu thế giới. Tôi nghĩ rằng nông sản sản của Việt Nam còn có rất nhiều triển vọng, rất nhiều tiềm năng để chinh phục thị trường quốc tế và tôi cũng rất mong là ngành Công Thương sẽ tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trong bối cảnh khó khăn để có thể tiếp tục thúc đẩy cho không phải chỉ một vài mặt hàng cụ thể mà rất nhiều loại nông sản của chúng ta ra nước ngoài trong thời gian tới. - Cùng với việc kết nối cung cầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị lên Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như gỡ khó trong lưu thông, vận chuyển hàng hoá; ưu tiên cho người lao động được tiêm vắc xin; kiến nghị các chính sách gỡ ách tắc tại các khu vực cảng biển hay đề xuất cho doanh nghiệp sản xuất được chủ động chịu trách nhiệm trong việc phòng chống dịch tại doanh nghiệp mình… Những hoạt động này đã góp phần ra sao trong việc gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh? Tôi thấy rằng Bộ Công Thương đã có những đề xuất, chủ trương can thiệp kịp thời trong việc thúc đẩy cho sản xuất, đề ra những đề xuất đúng đắn như ưu tiên tiêm vắcxin cho người lao động ở các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp vận tải và logistics. Bởi thực ra những ngành đó chính là những huyết mạch của nền kinh tế, cho nên gỡ được những ách tắc thông qua việc “phủ” tiêm chủng vắc xin, tạo điều kiện cho người lao động và các phương tiện trong lĩnh vực đó có thể di chuyển được thì đó chính là những yếu tố rất then chốt để đảm bảo cho nền kinh tế có thể hoạt động được trong bối cảnh khó khăn. |
Tôi cũng rất ấn tượng khi lãnh đạo Bộ Công Thương đã có sự can thiệp và một quan điểm dứt khoát rằng không chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông mà tất cả những hàng hóa không phải hàng cấm cần phải được lưu thông. Điều này xuất phát từ một triết lý rất đơn giản và thực tế. Bởi trong bối cảnh Covid-19 với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đang không tiêu thụ được hàng hóa hoặc đứt đoạn nguồn cung ứng đầu vào thì mọi nỗ lực để có thể kết nối lại các chuỗi cung ứng đều góp phần vào tạo công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng GDP và tạo ra nguồn thu ngân sách. Các quyết định, kiến nghị của Bộ Công Thương, sự can thiệp kịp thời của Bộ Công Thương trong việc kiến nghị xóa bỏ những cái gọi là chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông là một quyết định sáng suốt, rất dũng cảm và đầy trách nhiệm. |
Chính nhờ những nỗ lực này mà một trong những điểm sáng của ngành Công Thương chúng ta không thể không nhắc đến chính là việc xoay chuyển cán cân thương mại nghiêng về hướng xuất siêu ngay trong tháng 9 vừa rồi. Những nỗ lực gỡ khó cho doanh nghiệp, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy triển khai các hiệp định thương mại tự do đã giúp xuất khẩu của chúng ta đã giữ được đà tăng trưởng, thành tích xuất siêu quay trở lại và đây là điểm sáng khá hiếm hoi trong bối cảnh cả quý III vừa qua, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều đang gặp khó khăn khiến GDP giảm tới 6,17%. Chắc chắn rằng với những nỗ lực thúc đẩy cho hội nhập kinh tế, ngành Công Thương đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và tôi rất hy vọng là tăng trưởng xuất nhập khẩu và đặc biệt là thành tích xuất siêu sẽ tiếp tục được duy trì. Điều đó rất quan trọng đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý IV. |
- Tăng trưởng GDP đã giảm tương đối sâu trong quý III và để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm như kế hoạch đã đề ra là không dễ, đòi hỏi tất cả các lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực của ngành Công Thương như sản xuất công nghiệp, thương mại, thị trường trong nước… đều phải nỗ lực để đạt mức tăng trưởng cao. Theo ông, cần những giải pháp gì để các lĩnh vực kể trên đạt được mục tiêu này? Với tư cách là một bộ quản lý liên quan cả đến khâu sản xuất, khâu cung ứng vật tư, nguyên liệu đến đầu ra của sản phẩm, tôi hy vọng rằng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động của mình với một tinh thần chủ động, tinh thần cải cách, tinh thần đổi mới để thúc đẩy cho việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Một yếu tố quan trọng mang tính quyết định trong việc mở cửa thị trường, sống chung với dịch bệnh là phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, vì đó là huyết mạch của nền kinh tế. Bộ Công Thương cần tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ trong quá trình này, tiếp tục phát hiện ra những điểm nghẽn. Chẳng hạn như cho đến thời điểm này, mới có một nửa số địa phương trong cả nước quyết định được cấp độ dịch bệnh và đưa ra những biện pháp để mở cửa. Tức là còn một nửa số địa phương vẫn chưa quyết định được cấp độ dịch bệnh của mình, chưa thể đưa ra biện pháp, chính sách về việc mở cửa thị trường. Trong khi đó, nhiều cơ sở xuất kinh doanh chúng ta, đặc biệt là sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đều cần nguồn cung ứng nguyên liệu, vật tư của nhiều tỉnh, thành phố khác. Cho nên một vài địa phương ách tắc có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng. Chúng ta đã trải qua một giai đoạn dài chống dịch với quan điểm rằng mỗi xã, phường là một pháo đài thì bây giờ, chúng ta cần quay trở lại quá trình thúc đẩy mở cửa nền kinh tế với quan niệm mỗi xã, phường, mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế và các tế bào thì phải được “tiếp máu”, phải được kết nối với nhau. Nhiệm vụ của ngành Công Thương vô cùng quan trọng trong thúc đẩy sự kết nối đó.
|
Tôi cũng đề nghị là trong thời gian tới, các hiệp định thương mại tự do cũng như nguồn đầu tư nước ngoài đều là những động lực tăng trưởng rất quan trọng. Cho nên bên cạnh việc thúc đẩy cho thị trường trong nước đang tái khởi động trở lại, cần tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm những cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, đặc biệt thông qua thương mại điện tử, thông qua hình thức online. Trong khi bầu trời chúng ta chưa mở cửa, các đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư chưa thể qua lại nhộn nhịp được thì việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cả thị trường trong nước và ngoài nước trên nền tảng của thương mại điện tử, online sẽ là một biện pháp rất quan trọng để kích hoạt, để thúc đẩy việc nối lại chuỗi cung ứng của chúng ta và đẩy mạnh xuất khẩu. Vừa rồi, trong bối cảnh chúng ta thực hiện những biện pháp giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì đã có đến 20% các nhãn hàng đã chuyển các hợp đồng của mình sang các nước khác, đặc biệt là hàng hóa cho dịp Noel và đầu năm mới. Nhưng bây giờ, thì khi mà chúng ta đã khống chế được dịch, đã mở cửa được nền kinh tế rồi thì động tác rất là then chốt của ngành Công Thương là yếm trợ, dẫn dắt, thúc đẩy cho các doanh nghiệp để làm thế nào phải lấy lại được các đơn hàng cho vụ Xuân Hè và Thu Đông của năm tới. Bởi dù các đơn hàng chuyển đi nhưng chi phí để thực hiện các đơn hàng đó ở những nền kinh tế khác sẽ đắt đỏ và nếu chúng ta tranh thủ thiết lập lại chuỗi cung ứng, thiết lập lại quan hệ đối với các thị trường, có khả năng lấy lại được các đơn hàng cho năm tới thì sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP. |
Ngoài ra, bên cạnh việc đối diện với đợt dịch bệnh lớn nhất trong năm khi mà chúng ta phải thực hiện những biện pháp giãn cách dẫn tới doanh nghiệp phải dừng sản xuất, chúng ta cũng phải đối diện với thực tế rất khắc nghiệt là khi mở cửa lại thị trường thì không có lao động bởi người lao động đã về quê. Đó cũng là một sự thức tỉnh và điều này rất đáng để lưu tâm trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương. Bởi vậy, thời gian tới, chính sách phát triển sản xuất công nghiệp của chúng ta phải làm sao thoát khỏi việc tỷ lệ gia công quá lớn, chủ yếu người lao động vẫn phải sống bằng lao động giản đơn, tiền lương, thu nhập thấp. Điều đó có nghĩa là người lao động sẽ không thể có một khoản dự trữ để đề phòng, đầu tư cho tương lai. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra khiến đứt đoạn sản xuất, họ không còn việc làm, sẽ rất khó trụ vững được. Ngược lại, nếu như ngành công nghiệp phát triển ở một trình độ cao, giá trị gia tăng lớn thì lại khác hẳn. Những người lao động sẽ có thể có khả năng chống chịu cao, sẵn sàng trở lại với doanh nghiệp khi sản xuất mở cửa trở lại. Chính vì vậy, cho nên điều quan trọng là phải nâng cấp lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng việc đầu tư cho sản xuất, nghiên cứu, thương hiệu và phân phối. Đây là điều rất quan trọng mà Việt Nam phải bứt phá trong thời gian tới và nó liên quan đến chính sách công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, chính sách phát triển công nghiệp hiện nay có điểm một bất hợp lý là chúng ta hình thành những đại công trường, chủ yếu là lắp ráp, tập trung xung quanh các thành phố lớn. Mà các thành phố lớn thì đang quá tải và sẽ đầy rủi ro bởi nếu xảy ra tình trạng thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh khiến sản xuất ngưng trệ thì toàn bộ dây chuyền đó không thể hoạt động được. Trong khi đó, nếu chúng ta phân tán sản xuất ra thì khi chỗ này phải ngừng sản xuất thì chỗ khác còn có thể tiếp tục. Chính vì vậy, cần giải được bài toán phân bổ không gian khu công nghiệp. Đây là bài toán cần tính trong chiến lược phát triển công nghiệp của chúng ta trong thời gian tới. - Cùng với những nỗ lực từ cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp để nắm bắt cơ hội, đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối cùng của năm 2021? Về phía các doanh nghiệp thì phải nói rằng, dịch bệnh trong những ngày qua đã cho thấy một điều là sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam rất hạn chế. Bởi doanh nghiệp Việt Nam sức cạnh tranh yếu, quản trị rủi ro còn kém, xử lý tranh chấp cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Chúng ta đang nói đến một kế hoạch tái khởi động nền kinh tế, phục hồi nền kinh tế không có nghĩa là quay trở lại trạng thái của ngày hôm qua mà phải sáng tạo nên một trạng thái mới, một diện mạo mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải có năng lực cạnh tranh cao hơn. Muốn vậy thì phải tập trung nâng cao trình độ quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Và đặc biệt là phải đặt vào trong mọi chiến lược và kế hoạch phát triển doanh nghiệp một kế hoạch về quản trị, phòng ngừa rủi ro và có phương án để xử lý. Đây sẽ là một yêu cầu rất quan trọng cho doanh nghiệp không chỉ trong quá trình tái khởi động phục hồi kinh tế mà trong cả bối cảnh thế giới sẽ ngày càng biến đổi khó lường. |
Có thể khi Covid-19 đi qua, chúng ta sẽ phải đối diện với một biến chủng khác; hoặc đối diện với biến đổi khí hậu, thiên tai, chiến tranh thương mại… Hay mặt trái của cuộc cách mạng 4.0 sẽ đẩy chúng ta đến một tương lai mặc dù có nhiều cơ hội nhưng cũng rất rất nhiều rủi ro. Cho nên sự thay đổi, một chiến lược quản lý rủi ro sẽ là yêu cầu cốt lõi của các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp phải được trang bị những kiến thức này và tôi rất hy vọng Bộ Công Thương với tư cách là bộ quản lý sẽ mang lại rất nhiều những cách thức để hỗ trợ doanh nghiệp có thể kinh doanh trong một thời kỳ biến đổi và đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn tới những chuẩn mực thế giới trong hành xử, trong kinh doanh và trong cái cách thức để bảo vệ mình. |
Thực hiện: Nhóm phóng viên |