Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý kinh doanh đa cấp Hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam - Chuyển biến tích cực |
Chưa đặt hàng hóa là chủ thể trọng tâm
Sau gần 3 thập kỷ hình thành và phát triển ở Việt Nam, trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, đến nay ngành bán hàng đa cấp đã dần định hình và đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế.
Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, trên cả nước hiện có 22 doanh nghiệp hoạt động chính thống trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Với khoảng hơn 800 nghìn người tham gia và doanh thu năm 2020 đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Ngành bán hàng đa cấp tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người, đồng thời có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước từ các khoản thuế.
Thực chất, từ thời điểm được chính thức ghi nhận tại pháp luật Việt Nam, bán hàng đa cấp đã được tiếp cận là một phương thức phân phối bán lẻ hàng hóa. Trong biểu cam kết gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, Việt Nam cũng coi bán hàng đa cấp là phương thức bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, suốt những năm qua, bản chất là kênh bán lẻ của ngành này chưa được thể hiện rõ nét.
Mặc dù thị trường đa cấp đã có thời điểm đạt đến số lượng hàng trăm doanh nghiệp, nhưng cho đến nay chỉ có một số nhãn hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến như Amway, Oriflame hay Herbalife. Hơn thế, ngoài những cái tên này, thì đa số các sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được công chúng biết đến.
“Điều này cho thấy sản phẩm của ngành bán hàng đa cấp còn chưa được biết đến và sử dụng nhiều, mà chủ yếu được tiêu thụ nội bộ trong hệ thống, bởi chính những người tham gia bán hàng đa cấp”, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận định.
Nhìn từ góc độ cách thức tổ chức tiêu thụ, từ kế hoạch trả thưởng của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, rõ ràng nhiều doanh nghiệp chưa có cơ chế khuyến khích người tham gia bán lẻ hàng hóa ra thị trường. Đáng chú ý, tại một số doanh nghiệp, chế độ hoa hồng chủ yếu tập trung vào hoa hồng đội nhóm, hoa hồng hệ thống chứ không dành cho nỗ lực bán hàng của từng cá nhân.
Chính vì vậy, người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp này chỉ tập trung xây dựng hệ thống nhằm tăng doanh số hệ thống, từ đó mang lại thu nhập cho mình. Hàng hóa của doanh nghiệp được mua chủ yếu bởi chính người tham gia trong hệ thống của doanh nghiệp nhằm các mục đích như duy trì năng động, đạt chỉ tiêu xét cấp bậc, đạt điều kiện được chi trả hoa hồng.
Suốt những năm qua, bản chất là kênh bán lẻ của ngành bán hàng đa cấp chưa được thể hiện rõ nét |
Cụ thể, để người tham gia nhanh chóng đạt được cấp bậc, các doanh nghiệp thiết kế những gói sản phẩm gộp nhiều sản phẩm, có giá lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để người tham gia mua trong 1 lần mua, trong 1 đơn hàng hay trong một kì tính thưởng mà không quan tâm đến việc người mua có nhu cầu sử dụng hay không, có thể bán được hàng hay không. Và với cách thiết kế này, mỗi người tham gia cũng có xu hướng kêu gọi tuyến dưới của mình, hay những người mới tham gia chưa thực sự hiểu biết, mua hàng với số lượng lớn để đạt cấp bậc, mang lại hoa hồng cho chính người mua và tuyến trên.
Cứ như vậy, hoạt động bán hàng không còn được chú trọng, mà hoạt động đầu tư, đầu cơ có xu hướng phát triển. Xét trên tổng thể hoạt động của doanh nghiệp, có thể thấy hoạt động bán hàng đang không được đề cao, mà chủ yếu là hoạt động xây dựng hệ thống, người tham gia tự mua hàng để tạo ra hoa hồng cho nhau, tuyến dưới mua hàng để nuôi tuyến trên.
Tạo cơ chế để bán hàng đa cấp phát triển đúng bản chất
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, việc hàng hóa không được bán ra thị trường mà chỉ được mua chủ yếu bởi chính những người tham gia trong hệ thống sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính doanh nghiệp bán hàng đa cấp và người tham gia bán hàng đa cấp như:
Thứ nhất, người tham gia mua nhiều hàng để đạt cấp bậc nhưng không sử dụng hết, hay nói cách khác là nhu cầu tiêu dùng thấp hơn so với lượng hàng mua về, khiến hàng hóa không được “tiêu dùng”.
Thứ hai, đối với một số loại sản phẩm có nhãn hiệu, thị trường có nhu cầu tiêu dùng, thì người tham gia mua số lượng lớn để đạt chuẩn theo kế hoạch trả thưởng nhằm hưởng các khoản hoa hồng, tiền thưởng, sau đó bán hàng ra thị trường với giá thấp hơn nhiều giá mua từ công ty. Điều này khiến những người tham gia khác không thể bán được hàng, và dẫn đến mâu thuẫn trong bản thân hệ thống bán hàng đa cấp của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đã có nhiều phản ánh về tình trạng bán phá giá tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Thứ ba, những hệ thống có xu hướng tiêu dùng nội bộ sẽ không bền vững. Những doanh nghiệp tồn tại bền vững là những doanh nghiệp có được nguồn tài chính từ thị trường, từ người tiêu dùng tiêu dùng sản phẩm thường xuyên, là nguồn tài chính bền vững, lâu dài, xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường. Đối với các doanh nghiệp chỉ tiêu dùng nội bộ, về lâu dài, khi người tham gia không còn đủ khả năng tài chính để mua nhiều hàng, không còn kêu gọi được người tham gia mới đầu tư các đơn hàng lớn, thì hệ thống bán hàng đa cấp của doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị sụp đổ. Những người tham gia sau, ở các tầng dưới cùng, đã bỏ nhiều tiền mua hàng mà không bán được sẽ chịu thiệt hại bởi hoa hồng họ nhận được chưa đủ bù đắp lại khoản tiền đã bỏ ra.
Bộ Công Thương cho rằng, từ những bất cập này, pháp luật cần có cơ chế để thúc đẩy ngành bán hàng đa cấp phát triển theo đúng bản chất của hoạt động bán lẻ, đưa hàng hóa của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đến tay người tiêu dùng cuối cùng, triệt tiêu các hoạt động mang tính chất đầu cơ, thúc đẩy ngành bán hàng đa cấp phát triển bền vững.
Bộ Công Thương hiện đang công khai lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, với nhiều điểm mới để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Dự kiến, Dự thảo sẽ được trình Chính phủ vào tháng 12/2021. |