Bộ Công Thương: Nhiều nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Ông có thể cho biết, những tồn tại liên quan đến môi trường mà doanh nghiệp (DN) trong ngành cần giải quyết hiện nay là gì?
Ngành Công Thương vốn chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất cũng như tăng trưởng GDP của đất nước. Bộ Công Thương được Chính phủ giao đảm nhiệm một số ngành quan trọng như: Năng lượng, sản xuất thép, giấy, da giày, công nghiệp nhẹ (bia, rượu, nước giải khát)… Những ngành này trong quá trình hoạt động của mình đã có ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Bộ Công Thương đã có chiến lược về công tác BVMT ngành Công Thương, đặc biệt là ngành năng lượng. Cụ thể, Bộ Công Thương đã có những quyết sách đảm bảo công tác BVMT, như tro xỉ, nước thải của các nhà máy nhiệt điện hoặc trong khai thác hầm lò, chúng tôi chú ý đến quản lý khí mê tan, bụi, nước ngầm trong quá trình sản xuất...
Hàng năm, Bộ Công Thương đã yêu cầu chủ DN phải có những chi phí về BVMT đặc biệt phục hồi môi trường. Các chủ DN cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng được môi trường xanh, sạch trong quá trình sản xuất.
Do một số nguyên nhân thực tế đã có sự cố môi trường xảy ra trong quá trình vận hành sản xuất. Với vai trò cơ quan quản lý, vậy những giải pháp nào đã được Bộ Công Thương thực hiện để hạn chế rủi ro?
Trong quá trình phát triển và phục vụ nền kinh tế đất nước, vừa qua cũng có một số sự cố của nhà máy, đó cũng chỉ là "một con sâu" không thể "bỏ rầu nồi canh". Trong thực tế, chúng tôi đã khắc phục nhà máy có công nghệ lạc hậu và bây giờ vẫn đáp ứng được khung môi trường hiện tại, như Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, trước đây công nghệ của Trung Quốc từ những năm 1970, chúng tôi cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư những hệ thống lọc bụi tĩnh điện, các vấn đề về môi trường. Đến nay, nhà máy đã cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn có thể tồn tại được trong TP. Ninh Bình - một tỉnh hướng tới phát triển du lịch xanh. Đây là hướng đi tốt mà Bộ Công Thương khuyến khích các DN thực hiện, chứ không phải cứ công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu là bỏ đi.
Trong kế hoạch BVMT ngành Công Thương đến năm 2025 đặt ra mục tiêu 70 - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát… đến thời điểm này, tình hình thực hiện của các đơn vị đến đâu, thưa ông?
Như tôi đã nói, đây là ngành có nhiều chất thải rắn, chất thải không khí, nước… Để quản lý, kê kiểm được với lượng 75 – 90% nguồn xả thải của các DN là một nỗ lực, và chúng tôi đang từng bước thực hiện điều này. Bộ Công Thương hàng năm tổ chức những đoàn đi kiểm tra để đánh giá công tác môi trường của các DN, để xem tình trạng của năm trước so với thời điểm hiện tại, để có những giải pháp khuyến cáo DN thực hiện công tác môi trường.
Hài hòa giữa sản xuất và bảo vệ môi trường là đích đến của các doanh nghiệp |
Đối với chất thải rắn, vấn đề trước đây dư luận rất quan tâm, ví dụ tro, xỉ, thạch cao trong các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, Bộ đã thực hiện nghiêm Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 100% DN đã lập phương án tiêu thụ tro xỉ.
Theo ông, những giải pháp khuyến khích DN thực hiện hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT là gì?
Hiện nay, có một số vấn đề giữa người dân và địa phương chưa đồng tình, ví dụ trong khi Thủ tướng Chính phủ, nhà nước khuyến khích phát triển quy hoạch phụ trợ nhưng trong ngành dệt may, khi đi xin làm một nhà máy nhuộm dệt thì hầu hết các địa phương không đồng ý. Hoặc là sản xuất hóa chất, cơ bản rất nhiều DN tâm huyết để làm nhưng đến địa phương cũng bị từ chối, vì cho rằng công nghiệp hóa chất gây ô nhiễm. Theo tôi, hoạt động kinh tế thì phải có rủi ro nhưng rủi ro đó có thể quản lý được, vậy tại sao không làm? Tôi cũng muốn chia sẻ, nếu chúng ta không tự chủ được nguyên vật liệu thì rất khó phát triển, đơn cử như dệt may, chúng ta không làm sâu được thì mãi mãi chỉ đi gia công, 1 cái áo bán 100 USD nhưng thực tế Việt Nam chỉ làm ra 20 – 25 USD, còn 80 – 85 USD là ở ngoài nước…
Xin cảm ơn ông!