Ông Hoàng Tiến Dũng- Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho biết, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và đặc biệt là thực hiện cắt giảm, cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chỉnh phủ và Lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của đơn vị (từ Trung ương, địa phương và các đơn vị điện lực), công tác này đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần vào thành tựu chung trong cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng tại Việt Nam giai đoạn từ 2013-đến nay.
Theo kết quả đánh giá của Nhóm nghiên cứu Doing Business, chỉ số Tiếp cận điện năng năm 2019 của Việt Nam đã thăng hạng vượt bậc, đạt được mức xếp hạng cao nhất từ trước đến nay, đạt 82,2 điểm (tăng 0,3 điểm so với năm 2018) đứng ở vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia/ nền kinh tế. Đây là năm thứ 6 liên tiếp tăng điểm đánh giá và trong giai đoạn vừa qua có chuỗi 5 năm liên tiếp chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam được cải thiện về vị trí, là nền kinh tế có chỉ số Tiếp cận điện năng cải thiện vị trí nhiều nhất trong khu vực. Việt Nam đã vượt qua Philippin và hiện đứng thứ 4 khu vực Asean - tức nằm trong nhóm ASEAN-4. Với quá trình liên tục tiến hành đổi mới, cải cách và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong vấn đề Tiếp cận điện năng, Việt Nam đã từng bước cải thiện vượt bậc về xếp hạng qua từng năm trong giai đoạn 2013 - 2019 với kết quả tăng 129 bậc từ vị trí 156 lên vị trí 27.
Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam 5 năm liên tục cải thiện thứ bậc xếp hạng đáng kể từ vị trí 156 lên 27 (cải thiện 129 bậc) và 6 năm liên tiếp cải thiện về điểm đánh giá. Trong đó, các yếu tố đánh giá thay đổi nhanh chóng gồm: số thủ tục giảm từ 6 còn 4, số ngày giảm từ 115 còn 31 (trong đó số ngày của Điện lực giảm từ 60 còn 11 ngày), độ tin cậy cung cấp điện và minh bạch giá điện đã ngang bằng các nước phát triển.
Để có được kết quả này, những năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch cùng giải pháp cụ thể. Đơn cử như Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện các Nghị quyết của Chỉnh phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia; Thông tư số 33/2014/TT-BCT năm 2014 và Thông tư số 24/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng; Quyết định số 800/QĐ-BCT ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương về cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ…
Chính phủ và Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo để Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cung cấp dịch vụ cấp điện trung áp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đồng thời theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2020 trong đó có 02 dịch vụ trong nhóm về chỉ số tiếp cận điện năng là: (i) Thực hiện liên thông, đồng thời Chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép thi công xây dựng công trình điện lực có điện áp từ 35 kV trở xuống trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; (ii) Liên thông các thủ tục cấp điện qua lưới điện trung áp (gồm: tiếp nhận yêu cầu; thỏa thuận vị trí cột/trạm điện, hành lang lưới điện và cấp phép thi công xây dựng công trình điện trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục của nhiều ngành, lĩnh vực như giao thông, xây dựng…
Theo ông Dũng, nhằm tiếp tục triển khai các chính sách nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng tại Việt Nam, gần đây nhất Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 13/2020/TT-BCT ngày 18 tháng 6 năm 2020 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, theo đó, đã bãi bỏ yêu cầu về bổ sung quy hoạch và xác nhận phù hợp quy hoạch đối với Hợp phần quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp, qua đó rút ngắn hơn nữa thời gian để các doanh nghiệp tiếp cận điện năng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình liên thông cấp điện qua lưới điện hạ áp, trung áp theo trình tự rút gọn. Theo đó, dự thảo sẽ quy định rõ về cơ chế liên thông phối hợp thực hiện thủ tục cấp điện từ lưới điện trung áp giữa Tổng Công ty điện lực, Công ty điện lực, Điện lực và các đơn vị phân phối, bán lẻ điện (Đơn vị điện lực); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan; và các cơ quan quản lý đường bộ; Quy định trình tự, thủ tục thực hiện đối với thủ tục cấp điện từ lưới điện trung áp, để có thể rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.
Dự thảo cũng đưa ra mục tiêu giảm số ngày giải quyết từ 10-14 ngày so với hiện nay; giảm từ 4 thủ tục xuống chỉ còn 2 thủ tục; tiếp tục thực hiện cơ chế này trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp quá trình giải quyết các thủ tục được công khai, minh bạch, tiện lợi, khách hàng dễ tiếp cận, dễ tham gia và dễ giám sát.