Cuộc họp do Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) chủ trì với sự tham gia của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập đến từ các bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam; Bộ Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngoại giao, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Đại diện các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ Công Thương; các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam; Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; Hội Điện lực Việt Nam; Viện Năng lượng; đại diện một số Sở Công Thương thuộc tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ninh)... cùng một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Ông Trần Việt Hòa - Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Điện lực sửa đổi phát biểu tại cuộc họp |
Cuộc họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến |
Ông Trần Việt Hòa - Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Điện lực sửa đổi cho biết, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến rộng rãi vào cuối tháng 3/2024 và tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến góp ý. Sau khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định việc trình dự án Luật lên Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).
Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 4/3/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 462/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Để triển khai có hiệu quả trong thời gian ngắn, đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án Luật, ông Trần Việt Hòa - Tổ trưởng Tổ biên tập đề xuất chia Tổ biên tập theo 3 nhóm nội dung: Nhóm nội dung điều tiết điện lực (thị trường điện, giá điện, tiết kiệm điện...); Quy hoạch, phát triển điện lực, năng lượng tái tạo; An toàn điện, An toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, thành viên Ban soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 47 thành viên và Tổ Biên tập Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 136 thành viên đến từ một số cục, vụ thuộc Bộ Công Thương, các bộ, ngành và chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Ban soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân- Phó Trưởng Ban soạn thảo; ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực làm Tổ trưởng Tổ Biên tập Luật Điện lực (sửa đổi).
Các chuyên gia góp ý phương thức làm việc của Tổ biên tập |
Tổ Biên tập có trách nhiệm giúp Ban soạn thảo thực hiện biên soạn và chỉnh lý Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Ban soạn thảo, Tổ Biên tập có trách nhiệm phối hợp với Cục Điều tiết điện lực, các đơn vị có liên quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương tổ chức soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuân thủ các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để trình Quốc hội.
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.