Năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức quán triệt, triển khai Luật Phòng, chống khủng bố cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan; chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương như: Công trình thuỷ điện quan trọng, thuỷ điện lớn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ... là những lĩnh vực có nguy cơ bị khủng bố cao. Do đó, công tác phòng chống khủng bố luôn được Bộ Công Thương quan tâm và thực hiện nghiêm theo đúng quy định, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn tính mạng và tài sản trong ngành Công Thương, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Bộ Công Thương tổ chức diễn tập phòng, chống khủng bố ở Nhà máy Thủy điện Sơn La |
Các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ phòng, chống khủng bố liên quan đến các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, chủ động các biện pháp phòng ngừa từ xa, không để bị động, bất ngờ, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động phá hoại, khủng bố.
Với nhiệm vụ được giao là thường trực công tác phòng, chống khủng bố của Bộ Công Thương, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống khủng bố của Bộ Công Thương năm 2023 và giai đoạn 2023-2026 và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành danh sách các công trình, trụ sở trọng điểm, kèm khung phương án phòng, chống khủng bố tại các công trình, trụ sở thuộc Bộ Công Thương.
Các tập đoàn kinh tế lớn (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, xác định mục tiêu, công trình trọng điểm về phòng, chống khủng bố như: Công trình thủy điện, nhiệt điện, truyền tải điện, khai thác than - khoáng sản, chế biến dầu khí, sản xuất hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, kho dữ trữ xăng dầu... Từ đó, xây dựng các kế hoạch phù hợp đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống khủng bố.
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống khủng bố vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn như: Nguồn nhân lực thực hiện còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Kinh phí cho hoạt động còn chưa được pháp luật quy định cụ thể dẫn đến việc không có cơ sở pháp lý để các bộ, ngành bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị, đặc biệt là cơ quan thường trực tổ chức các hoạt động phòng, chống khủng bố.
Hiện nay, việc quản lý nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế đã được bàn giao từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các mục tiêu trọng điểm về phòng chống khủng bố của ngành Công Thương chủ yếu liên quan đến công trình công nghiệp thuộc quyền quản lý của các tập đoàn kinh tế lớn. Do đó, việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống khủng bố tại các công trình mục tiêu trọng điểm này đề nghị có sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tăng cường tổ chức tập huấn, mở các khoá đào tạo, bồi dưỡng nghiệp diễn tập các phương án giả định để nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng phòng, chống khủng bố của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư trang bị đầy đủ phương tiện nghiệp vụ cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống khủng bố.
Để triển khai tốt các nhiệm vụ về phòng, chống khủng bố trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương đề nghị Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố Quốc gia sớm có các hướng dẫn cụ thể về việc xác định tiêu chí để xác định mục tiêu, công trình trọng điểm về phòng, chống khủng bố trong ngành Công Thương để có căn cứ chỉ đạo các đơn vị ngành Công Thương xây dựng danh sách các mục tiêu, công trình trọng điểm về phòng, chống khủng bố để có phương án phù hợp.