Vụ Big C ngừng mua hàng dệt may Việt Nam: Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp rà soát cơ sở pháp lý, hài hòa lợi ích 3 bên! |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Bộ Công Thương hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, nhưng phải tôn trọng hợp đồng đã ký giữa các bên và pháp luật Việt Nam”.
Dừng mua hàng dệt may Việt Nam, Central Group nói gì?
Thông tin về việc tạm thời ngừng mua hàng dệt may của các doanh nghiệp (DN) cung ứng Việt Nam, ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, ngay trong chiều ngày 3/7, Central Group Việt Nam đã có buổi gặp mặt các nhà cung cấp để giải thích những thắc mắc, băn khoăn của các nhà cung cấp về việc tạm dừng mua hàng của các doanh nghiệp (DN) cung ứng dệt may Việt Nam.
Theo đó, ông Philippe Broianigo cho hay, Tập đoàn Central Group đang có những chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại hệ thống phân phối tại Việt Nam và việc tạm dừng mua hàng nằm trong chiến lược đó. Việc tạm dừng mua hàng này sẽ diễn ra trong khoảng 15 ngày. Hiện nay, Tập đoàn Central Group cũng đã gửi thư cho các nhà cung ứng đối tác giải thích rằng việc dừng mua hàng chỉ là tạm thời. Tất cả những đơn hàng đã ký trước đó vẫn tiếp tục được thực hiện.
Hiện có tổng số 4.000 nhà cung cấp Việt Nam đang cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối bán lẻ của Tập đoàn Central Group tại Việt Nam. Trong đó, Central Group Việt Nam đang tạm ngưng nhập khẩu hàng hóa của 200 nhà sản xuất ngành dệt may. Central Group Việt Nam đang xem xét lại hồ sơ năng lực của các doanh nghiệp và ngay trong ngày hôm nay (4/7), dự kiến sẽ mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung ứng. Trong 2 tuần tới, Central Group Việt Nam dự định gặp các nhà cung cấp hàng đầu trong ngành dệt may hiện tại để trao đổi kỹ hơn về những yêu cầu của công ty với hy vọng sẽ hợp tác lâu dài cùng nhau và hy vọng sẽ tiếp tục mở đơn hàng cho 100 nhà cung cấp. “Riêng 50 nhà cung cấp còn lại, chúng tôi sẽ ngồi lại, bàn bạc kỹ lưỡng, ghé thăm nhà máy để có những đánh giá kỹ hơn về năng lực, đồng thời yêu cầu họ thay đổi để đáp ứng những yêu cầu của Central Group Việt Nam trong tương lai. Với những nhà cung cấp này, có thể cần thời gian nhiều hơn 2 tuần” - ông Philippe Broianigo cho hay.
Ông Philippe Broianigo cho hay, sẽ sớm ký lại hợp đồng với 150/200 nhà cung ứng dệt may |
Ông Philippe Broianigo cũng chia sẻ, đây không phải là sự việc đột ngột mà thực tế, 3 tháng trước, Central Group Việt Nam đã có buổi làm việc với các nhà cung cấp về việc cần cải thiện hơn về chất lượng mẫu mã sản phẩm nhưng việc tiếp thu chưa đáp ứng như kỳ vọng. Ngoài ra, việc thay đổi chiến lược với ngành hàng may mặc của Central Group Việt Nam cũng nhằm phục vụ tốt hơn thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Cần tuân thủ pháp luật Việt Nam
Đánh giá cao sự đóng góp của Tập đoàn Central Group Việt Nam sau một thời gian ngắn mua lại hệ thống phân phối Big C, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Central Group Việt Nam đã tích cực đồng hành với Bộ Công Thương trong việc quảng bá hình ảnh hàng Việt Nam không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, góp phần tạo công ăn việc làm và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Central Group trong việc mong muốn tiếp tục duy trì, mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cũng như mong muốn đưa hàng Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. “Chúng tôi hiểu mong muốn của Tập đoàn và hoàn toàn tôn trọng quyền sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự việc Tập đoàn tạm dừng mua hàng của các nhà cung cấp dệt may Việt Nam cần được giải quyết theo đúng những hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tránh việc dừng mua hàng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây thua lỗ cho các nhà cung ứng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: “Bộ Công Thương hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, nhưng phải tôn trọng hợp đồng đã ký giữa các bên và pháp luật Việt Nam” |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, căn cứ vào những điều khoản của hợp đồng giữa hai bên, nếu hàng hóa của nhà cung ứng không đảm bảo chất lượng, Tập đoàn Central Group có quyền từ chối đơn hàng. Tuy nhiên, khi muốn có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, phải có sự thông báo với nhà cung cấp và có lộ trình nhất định để nhà cung cấp có thời gian thay đổi.
Khẳng định thiện chí muốn các doanh nghiệp Thái Lan làm ăn lâu dài và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, Đại sứ Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Tanee Sangrat mong muốn Tập đoàn Central Group sẽ là mô hình tiêu biểu tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Việt Nam, không chỉ mang mô hình của bán lẻ của Thái Lan đến Việt Nam mà còn cung ứng những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Đại sứ cũng kỳ vọng có sự trao đổi thiện chí giữa các bên để cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp hiểu rõ và có sự hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
Tập đoàn Central Group Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam ký kết ghi nhớ hợp tác: Cũng trong buổi làm việc, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam còn rất lớn. Hiện ngành dệt may đang xuất khẩu đến 80% và 20% phục vụ thị trường trong nước. Ông Cẩm cũng cho rằng, hiện nay các mặt hàng may mặc Việt Nam đang được bày bán ở hệ thống siêu thị Big C chưa phải hàng dệt may Việt Nam ở phân khúc có đẳng cấp nhất. Big C có lợi thế là lượng người mua rất lớn, nếu được cung cấp hàng dệt may tốt sẽ nâng tầm cho cả Big C và doanh nghiệp dệt may Việt Nam. |