Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhờ thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ
Thúc đẩy kinh tế chia sẻ qua thương mại điện tử
Theo Bộ Công Thương, thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3138/QĐ-BCT ngày 16/10/2019 phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg để giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Cập nhật tiến độ thực hiện kế hoạch đến hiện nay, theo Bộ Công Thương, với tinh thần trách nhiệm cao, ngay sau khi Kế hoạch hành động được phê duyệt, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra.
Theo đó, công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương đối với các cá nhân và các bên liên quan trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm về cung cấp và sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ. Cụ thể như, tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu trong công tác điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các đơn vị thuộc Bộ và với các Bộ, ngành với chính quyền các cấp, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đã được các đơn vị triển khai hiệu quả.
Bộ Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp thúc đấy mô hình kinh tế chia sẻ |
Đơn cử, về phát triển hạ tầng cho thương mại điện tử, nâng cao trình độ ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp và địa phương, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và xây dựng hệ thông báo cáo điện tử Bộ Công Thương kết nối với hệ thống báo cáo điện tử của Chính phủ; đã triển khai xây dựng Trục kết nối dịch vụ thương mại điện tử (giai đoạn I) nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến giới thiệu dịch vụ của mình trên hệ thống này, ngoài ra Trục còn được kết nối với các sàn thương mại điện tử của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện thí điểm thiết kế giải pháp lưu trữ và quản lý chứng thực chữ ký số từ xa (Remote Signing) cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến cho các cá nhân/đơn vị (CRM giai đoạn 2).
Đồng thời, xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon; tổ chức các hoạt động đào tạo học viên trên toàn quốc kiến thức về thương mại điện tử, giúp học viên sau mỗi khoá học nắm bắt được hành lang pháp lý về thương mại điện tử và có thể vận dụng kiến thức đó để xây dụng kế hoạch và triển khai tiếp thị trực tuyến.
Về thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra các nước phát triển trong bối cảnh Hiệp định EVFTA được phê chuẩn; xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử theo xu thế.
Bộ cũng hỗ trợ tối đa doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi số tiếp cận cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 hướng tới tăng năng suất quản lý và đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp; thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CRM), phần mềm quan lý sản xuất, phần mềm quản lý và bán hàng thông minh... nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá
Về số hóa hệ thống thông tin thị trường, Bộ Công Thương đã triển khai nâng cấp nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN) tại địa chỉ tên miền là: www.ECVN.com. Đây là sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình B2B, ECVN đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công và trở thành địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu và tìm kiếm bạn hàng quốc tế trong nhiều năm qua.
Hoạt động liên quan thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu thông qua hoạt động khai C/O điện tử cũng được tạo thuận lợi hoá; hoạt động xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương trong hoạt động khởi tạo mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá (QR Code) trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc cũng được thực hiện có hiệu quả.
Chương trình Một thẻ quốc gia - Thẻ Việt - một hệ thống nền tảng kết nối các hệ thống thẻ liên kết thông minh, tích hợp thanh toán, quản lý giao dịch điện tử tại Việt Nam đã tiếp tục mở rộng phát hành thẻ cho 40 đơn vị, điểm mở thẻ với tổng số thẻ phát hành lên đến gần 350.000 thẻ.
Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam là hệ thống được Bộ Công Thương xây dựng, vận hành cũng đã chính thức ra mắt vào tháng 6/2022 nhằm mục tiêu hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... trong việc kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong thương mại. Hiện nay, đã có 5 đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (BKAV, FPT, Viettel, Mobiphone, CMC).
Đặc biệt, chương trình Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday được tổ chức hàng năm với mục tiêu xây dựng một ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất hàng năm của Việt Nam, đem lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm, xây dựng một liên kết chặt chẽ, bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến các đơn vị cung ứng dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử.
Phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn đẩy mạnh các hoạt động gắn kết thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống như: Tổ chức Hội nghị quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử; xây dựng “Gian Hàng Việt Nam - Vietnam Pavilion” trên các sản thương mại điện tử lớn.
Các hoạt động trên góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kỹ năng, kiến thức về xuất khẩu trực tuyến, về thương mại điện tử quốc tế để từ đó tiến hành kinh doanh bền vững; tạo không gian hàng hoá của Việt Nam trên sàn thương mại điện tử, tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam chất lượng.
Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức các hội nghị giao thương trực tuyến chuyên ngành (thuỷ sản, nông sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến,…) với thị trường lớn, thị trường có FTA với Việt Nam và các thị trường tiềm năng (như EU, RECEP, Nam Mỹ, châu Phi,...); tổ chức chuỗi phiên tư vấn xuất khẩu theo phương thức trực tuyến cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm (lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản...) của các nước, thị trường trên thế giới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, châu Phi, châu Âu...).
Bên cạnh đó, thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử Go Online (www.goonline.gov.vn) đã cung cấp nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số như tối ưu quy trình vận hành nâng cao năng suất (các giải pháp quản lý nhân sự, quản lý công việc, thư điện tử...); tiết kiệm chi phí quản lý và sản xuất (quản lý dây chuyền sản xuất, quản lý đơn hàng, quản lý kênh bán hàng); thúc đẩy doanh số bán hàng...
Để tạo hành lang pháp lý an toàn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ cũng tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật và chính sách hiện hành thúc đẩy phát triển kinh tế chia sẻ đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ và thương mại điện tử, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ.
Đặc biệt, Bộ cũng tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của công dân, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng thông qua "Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”, đồng thời đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Đối với hoạt động hỗ trợ thanh toán trong thương mại điện tử, Bộ đã triển khai các hoạt động như: Nền tảng hỗ trợ giao dịch tích hợp thanh toán điện tử KeyPay: hỗ trợ các cơ quan nhà nước, Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến, cung ứng hàng hóa chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử thông qua thẻ thanh toán đã được kích hoạt thanh toán trực tuyến của các ngân hàng tại trong nước và quốc tế. Hiện, KeyPay kết nối, hỗ trợ dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 cho Bộ Công Thương và 9 Bộ, ngành, 3 tỉnh/thành phố với trên 32 đơn vi, cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2022, Keypay đã trở thành giải pháp chính thức cung cấp dịch vụ thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia. |