Báo chí, truyền thông: Cầu nối văn hoá 54 dân tộc Việt Nam Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại |
Trong suốt những năm qua, ngành Công Thương rất coi trọng và luôn coi các cơ quan báo chí là “cầu nối”, “binh chủng đặc biệt” góp phần truyền tải thông tin đến người dân, doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời.
Cầu nối truyền tải thông tin của ngành Công Thương với nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy mẫu mực của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã để lại di sản báo chí phong phú cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và những người làm báo vận dụng, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng… Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta” và Người quan niệm: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương rất coi trọng và đánh giá cao vai trò của báo chí. Ảnh Hưng Quang |
Nhận thức sâu sắc lời dạy của Người, những năm qua, lãnh đạo Bộ Công Thương đã rất coi trọng và đánh giá cao vai trò của báo chí, coi đây là một “binh chủng đặc biệt”, xung kích, chủ lực trong việc truyền tải chính sách đến người dân và xã hội. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đổi mới, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực Công Thương. Sự kiện Bộ Công Thương ký thỏa thuận hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân và nhiều cơ quan báo chí khác nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp công tác là minh chứng cho quyết tâm này.
Phát biểu tại lễ ký kết giữa Bộ Công Thương và Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cho biết: Bộ Công Thương là cơ quan Chính phủ quản lý đa ngành, với nhiều lĩnh vực trọng yếu, phức tạp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế đất nước. Hoạt động của ngành không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn đến hầu hết các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Mỗi quyết định của ngành đều có tác động đến kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng nhất định đến đời sống của người dân. Do vậy, để các quyết sách đó đi vào cuộc sống, Bộ Công Thương rất cần sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc cung cấp thông tin đến bạn đọc, cũng như phản ánh nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp để Bộ thực hiện tốt hơn nữa công việc của mình.
Nhấn mạnh về vai trò của báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, từ các hoạt động của ngành, các cơ quan báo chí đã truyền tải được tâm tư, nguyện vọng để Bộ Công Thương ngày càng gần gũi, gắn bó với đời sống của nhân dân. Đồng thời, thông qua các cơ quan báo chí, nhân dân đã cổ vũ, động viên, hưởng ứng những việc Bộ Công Thương đang làm tốt, chia sẻ với Bộ về những khó khăn và góp ý, phản biện, hạn chế, vướng mắc để Bộ phân tích, lắng nghe và tiếp thu, khắc phục trong việc ban hành, thực thi, giám sát chính sách khi đi vào cuộc sống.
“Báo chí có vai trò rất quan trọng, là “sợi dây”, kết nối giữa Bộ Công Thương và nhân dân, lan tỏa, truyền cảm hứng, tạo động lực với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh”, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ Công Thương luôn chủ động lắng nghe, cung cấp thông tin
Bước sang năm 2023, dự báo những khó khăn, thách thức vẫn tiếp tục. Chính vì vậy, ngay trong các buổi gặp mặt với các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đều nhấn mạnh rằng: Để đạt được mục tiêu năm 2023, ngành Công Thương phải nỗ lực rất lớn. Ngoài việc cầu thị hơn để nhận được sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, Bộ Công Thương rất cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí truyền thông.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho biết, Bộ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc hợp tác với các cơ quan báo chí, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác và chủ động trong việc tuyên truyền nhằm truyền tải đầy đủ và trung thực những chính sách của ngành đến với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong điều hành,thực hiện.
Những quyết sách, chủ trương không chỉ “nằm trên giấy” mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động, thay nhiều phương thức cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí, truyền thông với phương châm “nhanh hơn, thời sự hơn”. Điều này được thể hiện rất rõ bằng việc, Bộ luôn tổ chức các buổi họp báo định kỳ theo từng quý. Tại đây, các cơ quan báo chí luôn được Bộ giải đáp một cách trung thực, khách quan những thông tin dư luận quan tâm với tinh thần “luôn lắng nghe, thấu hiểu”. Coi báo chí là “ăng ten” để thu, nhận và truyền tải thông tin, những việc đã và đang làm của ngành để nhân dân thấu hiểu, tin tưởng.
Từ đầu năm 2023, để tăng cường cung cấp thông tin về hoạt động của ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo các cục, vụ, các cơ quan trực thuộc Bộ phải thường xuyên cung cấp thông tin hàng tuần, hàng tháng cho các cơ quan báo chí. Trong các cuộc giao ban định kỳ, lãnh đạo Bộ đều yêu cầu phải báo cáo số lượng tin, bài cung cấp cho các cơ quan báo chí và có những chỉ đạo, định hướng kịp thời. Nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm như tình hình cung ứng điện, cung ứng xăng dầu, chi tiêu ngân sách, giải ngân vốn đầu công… cũng được lãnh đạo Bộ thường xuyên chỉ đạo cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy còn một số hạn chế trong cung cấp thông tin nhưng điều đó thể hiện tâm thế sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng hoạt động báo chí.
Không chỉ có vậy, Bộ còn giao cho một đơn vị đầu mối là Văn phòng Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của Bộ để kịp thời đồng hành và cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí, tránh những phản ánh chưa chính xác. Đồng thời, hàng tháng, lãnh đạo Bộ đã cử trực tiếp một đồng chí Thứ trưởng, người phát ngôn của Bộ Công Thương tham gia họp báo Chính phủ thường kỳ. Tại đây, Bộ Công Thương cũng đã luôn trả lời, thông tin một cách đầy đủ, khách quan, thẳng thắn, hoàn toàn không “né tránh” những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.
Đáng chú ý, đứng trước những vấn đề, sự kiện “nóng”, lãnh đạo Bộ, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đều có những trả lời và chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện cho các cơ quan báo chí. Ngay trong năm 2022, khi xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại một số địa phương, Bộ trưởng đã liên tục tổ chức họp với hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tại tất cả các cuộc họp này, Bộ đều mời các cơ quan báo chí tham dự hoặc cung cấp Thông cáo báo chí, trong đó nêu rõ những chủ trương, quyết sách của Bộ. Để từ đó, các cơ quan báo chí sẽ là “cánh tay nối dài” giúp nhân dân cả nước thấu hiểu và chia sẻ với Bộ.
Đặc biệt, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí về một số “điểm nóng” như sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hay Thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trực tiếp thăm và có những chỉ đạo cụ thể. Tại các buổi làm việc này, Bộ trưởng yêu cầu có sự tham gia của báo chí và cung cấp thông tin một cách thẳng thắn, rộng rãi, khách quan.
Gần đây, trước tình hình thiếu điện, lãnh đạo Bộ Công Thương trực tiếp là Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc, trao đổi cung cấp thông tin, giải đáp những vướng mắc, câu hỏi của các cơ quan báo chí và dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận… Không những thế, Thứ trưởng Đặng Hoàng An còn trực tiếp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam mở chuyên mục cập nhật tình hình tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên còn trực tiếp chỉ đạo việc cung cấp thông tin về tình hình thủy điện và điều độ điện hàng ngày... Bộ trưởng còn yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức các đợt cho phóng viên đi thực tế tại nhà máy thủy điện Thác Bà, nhà máy thủy điện Hòa Bình... Tất cả với mong muốn bằng các ngòi bút chân thực của mình, các cơ quan báo chí sẽ phản ánh trung thực những khó khăn cũng như nỗ lực của Bộ Công Thương nói chung và lĩnh vực điện lực nói riêng với tinh thần để người dân hiểu và tin tưởng sẽ có ý nghĩa quyết định từ đó hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh mới, khó khăn mới, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng rất cần sự nỗ lực, đóng góp mới hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn của các cơ quan báo chí, để ngành Công Thương, Bộ Công Thương hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu mới được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.