Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố hoá chất năm 2023 Supe Lâm Thao tổ chức thành công diễn tập ứng phó sự cố hóa chất 2023 Biện pháp tăng cường ứng phó sự cố hóa chất |
Phát biểu khai mạc buổi diễn tập, ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: Trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại. Trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng phương án phòng ngừa sự cố hóa chất và đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện diễn tập ứng phó sự cố hóa chất. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 22/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình diễn tập ứng phó sự cố hóa chất năm 2023.
Cục trưởng Cục Hóa chất Phùng Mạnh Ngọc phát biểu khai mạc buổi diễn tập |
Cục trưởng Phùng Mạnh Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất: “Thứ nhất, việc tổ chức diễn tập sẽ giúp chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng, sự tập luyện thành thục trong công tác ứng phó sự cố, có sự nhanh nhạy và linh hoạt để ứng phó khi sự cố hóa chất xảy ra. Thứ hai, thông qua các cuộc diễn tập sẽ giúp chúng ta nhìn nhận ra những điều còn thiếu sót để kịp thời bổ sung, rút kinh nghiệm trong việc ứng phó sự cố, sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia ứng phó. Thứ ba, việc tổ chức diễn tập sẽ cho chúng ta thấy được sự nguy hiểm của sự cố hóa chất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp để có ý thức hơn trong việc tăng cường công tác phòng ngừa sự cố hóa chất”.
Các lực lượng theo dõi và chỉ huy buổi diễn tập |
Buổi diễn tập được xây dựng trên bối cảnh giả định: Vào hồi 8h00 ngày 3/11/2023, tại bồn chứa Amoniac 5.000m3 của Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình đã xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất Amoniac. Tại khu vực bồn chứa, Amoniac thoát ra môi trường lượng lớn, tạo ra vùng nhiễm độc nguy hiểm. NH3 thoát ra rất mạnh ở dạng lỏng, kèm hơi bốc cao, tràn ra khu vực đê bao, với diện tích bề mặt thoáng lớn, hơi NH3 có nguy cơ phát tán mạnh, gây mùi khó chịu, lan sang khu vực xung quanh và các khu vực lân cận. Nguy cơ ảnh hưởng trên diện tích rộng theo hướng gió nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Phun nước dập sự cố tại bồn chứa Amoniac 5.000m3 của Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình |
Phương án ứng phó khi phát hiện sự cố được đưa ra cụ thể: Đánh giá, thông báo sự cố; các chỉ lệnh ngừng sản xuất, sơ tán, báo cáo sự cố; Thực hiện phương án ứng phó sự cố theo kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt; Bảo vệ, phân luồng giao thông, cách ly vùng nguy hiểm; Phun nước dập sự cố; Tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế; Kiểm tra mức độ lan tỏa khí độc; Hút chất thải lỏng từ bể đê bao mang đi xử lý; Phối hợp với lực lượng ứng cứu của tỉnh và quốc gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế; Tiêu tẩy độc cho người, phương tiện, tiêu độc môi trường ngay sau sự cố được dập hoàn toàn.
Lực lượng cứu hộ thực hiện công tác tiêu độc môi trường ngay sau khi sự cố được dập hoàn toàn |
Lực lượng cứu hộ diễn tập đưa người bị ngộ độc vào trạm tiêu tẩy độc |
Sau 30 phút diễn tập với sự nỗ lực của tất cả các lực lượng, buổi diễn tập đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu phát biểu chỉ đạo sau buổi diễn tập |
Phát biểu chỉ đạo sau buổi diễn tập, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu đã đánh giá cao và biểu dương Công ty có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để buổi diễn tập được thực hiện bài bản, chính xác, nhanh gọn, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cũng đưa ra một số lưu ý trong công tác diễn tập để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn trong những lần tiếp theo và trong thực tế. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương và các bên liên quan tiếp tục phát huy công tác luyện tập, diễn tập để luôn chủ động trong việc ứng phó, xử lý từ tình huống nhỏ, không để xảy ra sự cố lớn về hoá chất và môi trường.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo tỉnh Thái Bình, lãnh đạo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) tặng hoa cho các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố hóa chất năm 2023 |
Việc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất với quy mô lớn cho thấy năng lực ứng phó hiệu quả, sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại phù hợp trong ứng cứu sự cố hóa chất làm căn cứ trình Chính phủ cho phép kêu gọi đầu tư các tổ hợp công nghiệp hóa chất, hạn chế các nghi ngại của các địa phương khi được lựa chọn làm vị trí đầu tư xây dựng tổ hợp công nghiệp hóa chất.
Trước đó, ngày 12/10/2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định Phê duyệt Kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hoá chất năm 2023. Tại Quyết định này, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) được giao lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện diễn tập. Quyết định Phê duyệt Kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hoá chất năm 2023 cũng thành lập Ban Chỉ huy diễn tập ứng phó sự cố hóa chất. Ban Chỉ huy diễn tập có trách nhiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất theo đúng kế hoạch, kịch bản được duyệt và tự giải thể sau khi hoàn thành diễn tập. Mục đích của việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, điều hành; khả năng huy động, phối hợp của các lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất các cấp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp hoạt động hóa chất và cộng đồng dân cư chủ động phòng ngừa; Ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố trong thực tiễn, ngoài tầm kiểm soát của cơ sở và địa phương. |