Tại Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam từ một nước bị bao vây cấm vận, ít được biết đến trên bản đồ kinh tế quốc tế, sau 30 năm, đã trở thành quốc gia có quan hệ kinh tế thương mại khá sâu sắc với hầu hết các thành viên Liên hợp quốc thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay Việt Nam đang sở hữu 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với trên 60 quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới và là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất, một trong 15 quốc gia hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
“Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một hình mẫu, hiện tượng trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ thế và lực tổng hợp của đất nước, trong đó có ngoại giao kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Ảnh: Báo Quốc tế |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phân tích, trong bối cảnh phức tạp của thế giới hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải vững vàng về bản lĩnh; bình tĩnh sáng suốt để nhận thức đúng bản chất của sự vật, hiện tượng; hành động quyết liệt nhưng phải thận trọng, phù hợp để từ đó “gạn đục, khơi trong”, biến những thách thức thành cơ hội, biến những “cơn gió ngược” thành động lực cho sự phát triển bứt phá ngoạn mục của kinh tế đất nước.
Để thực hiện các mục tiêu, định hướng lớn trong ngoại giao kinh tế, từ phía ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị:
Một là, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định chủ trương lấy ngoại giao kinh tế làm trụ cột, động lực quan trọng trong thiết lâp, củng cố quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại cấp cao, các cấp về cơ chế, chính sách trong phát triển kinh tế, thương mại đầu tư với các nước khác nhằm tìm ra động lực tăng trưởng mới.
Hai là, tổ chức các đoàn ra, hỗ trợ tổ chức các đoàn vào trên cơ sở thực thi và thúc đẩy thực thi các cam kết của Việt Nam với quốc tế và ngược lại. Triển khai chiến lược quy hoạch phát triển ngành, địa phương, quy hoạch tổng thể quốc gia bởi điều này sẽ tạo ra dư địa phát triển mới cho đất nước.
Cùng đó, chú trọng đầu tư thỏa đáng cho các chương trình thương hiệu, doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp Việt, các hiệp hội, ngành hàng tiếp cận, khai thác hiệu quả các FTA.
Ba là, tổ chức và tham gia nhiều hơn các diễn đàn, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm ký kết các thỏa thuận nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Cuối cùng, ngành Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm tiến hành tổng kết chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để vừa kịp thời bổ sung văn kiện Đại hội XIV của Đảng, vừa điều chỉnh cơ chế chính sách cần thiết để hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng thực chất, hiệu quả.
"Trước mắt, đề nghị hoàn tất các thủ tục trong nước để đưa FTA với Israel vào thực thi trong tháng 4/2024; đưa Hiệp định FTA Việt Nam – UAE (CEPA) kết thúc đàm phán trong tháng này. Đồng thời cho phép tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đàm phán các FTA với EFTA, khối Mercosur... các khu vực thị trường còn nhiều tiềm năng" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị và đề xuất, Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành địa phương chú trọng cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao trong xúc tiến đầu tư thương mại, xây dựng thực chất, hiệu quả các đề án sản xuất và xuất khẩu chính ngạch; xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, cần phát huy vai trò của các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực ngoại thương mà còn có chức năng cầu nối trong xúc tiến đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và nước ngoài; mở các lớp đào tạo về chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan Thương vụ…
Đối với Bộ Ngoại giao và các Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người đứng đầu ngành Công Thương cũng đưa ra 3 đề xuất lớn:
Thứ nhất, tăng cường nắm bắt thông tin, đánh giá, dự báo đúng tình hình thế giới, khu vực và nước sở tại để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương, có những phản ứng chính sách phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích cao nhất cho đất nước.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại ở Việt Nam và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan Thương vụ, cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục tích cực vận động, đấu tranh để các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường; xử lý tốt nhất các vấn đề mới phát sinh trong quan hệ thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thứ ba, tiến hành rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng của đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài sát với điều kiện thực tế.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các đơn vị trong Bộ sẽ tiếp tục tham mưu về cơ chế, chính sách, phản ứng chính sách để triển khai có hiệu quả các FTA đã ký kết; xử lý hậu quả các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các khó khăn, vướng mắc xung đột quan hệ kinh tế thương mại, qua đó góp phần ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút hiệu quả FDI.
Bên cạnh đó, nỗ lực để hoàn thành các FTA đang đàm phán; tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục đàm phán, nâng cấp, khai mở các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Thúc đẩy đồng thuận trong nước về cách tiếp cận với những vấn đề đang nổi lên trong quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là các nội dung về kiểm soát an ninh, lao động, môi trường cho chuỗi cung ứng, hợp tác trong các ngành kinh tế mang tính chiến lược như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
"Bộ Công Thương sẽ tăng cường hợp tác đầu tư trong chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức; triển khai công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trong tương lai" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, công tác ngoại giao kinh tế còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo, phải luôn giữ thăng bằng, "thắng không kiêu, bại không nản", giữ vững bản lĩnh, bĩnh tĩnh, kiên trì, không quá say sưa với thắng lợi và khi thuận lợi, không hoang mang, dao động khi gặp khó khăn, thách thức, tuân thủ và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phù hợp tình hình.
Hiện thực hóa nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 4 định hướng lớn và 6 biện pháp cụ thể để thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: "Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững, nhất là trong điều kiện đất nước còn khó khăn".