Cụ thể, báo Nhân dân đã đăng tải bài viết “Bộ Công Thương đề xuất hai phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”. Theo đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về hai phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Treo đó, phương án 1 rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc; trong phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 xuống 4 bậc.
Bộ Công Thương nhận định, phương án 1 có ưu điểm là đơn giản, dễ hiểu; nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711kW giờ/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm. Phương án 2 sẽ giảm bớt tác động tăng tiền điện do phần lớn các hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 100 đến 300 kW giờ, dễ áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 đến 232 kW giờ/tháng và các hộ có mức sử dụng hơn 806kW giờ/tháng, tác dụng thấp hơn trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Công Thương đề xuất hai phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện |
Liên quan đến năng lượng tái tạo, báo Đầu tư đã đăng tải bài “Nhà đầu tư ồ ạt xin khảo sát điện gió ngoài khơi”. Bài viết thông tin, đã có 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường và 40 đề xuất gửi tới UBND các tỉnh ở phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào. Trong số này, có 6 đề xuất là của nhà đầu tư nước ngoài (10,9%); có 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (23,6%) và có 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (65,5%).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay, hiện chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển; chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 1 dự án; chưa có quy định công suất dự kiến để khảo sát là bao nhiêu MW trong từng thời kỳ quy hoạch cho phù hợp với tổng công suất điện gió ngoài khơi lũy kế đến năm 2030 được xác định khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt; chưa có tiêu chí lựa chọn nhà phát triển dự án có kinh nghiệm, năng lực và có cam kết rõ ràng về tiến độ, chất lượng khảo sát điện gió ngoài khơi; chưa có quy hoạch các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió.
Báo Công Thương cập nhật quy định mới trong ngành điện qua bài viết “Quy định mới nhất về phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện”. Tác giả bài báo nêu, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT (ngày 10-2-2017) quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện. Theo đó, giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22/11/2022.