Bộ Công Thương đề xuất cho phép thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ
Tin hoạt động 23/03/2020 15:51
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới: Vẫn đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Ách tắc hàng hoá tại biên giới phía Tây, Tây Nam: Bộ Công Thương gửi Văn bản hoả tốc |
Năng lực thông quan vẫn còn hạn chế
Văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại công văn số 2117/VPCP - KTTH ngày 19/3/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn tại công văn số 192/UBND - KTTH ngày 6/3/2020 đề xuất cho phép thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tạo điều kiện thông quan nhanh hàng hóa tại các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong thời điểm dịch Covid-19 |
Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 808/VPCP - KTTH ngày 5/2/2020 về hoạt động XNK, vận chuyển hàng hóa qua biên giới và Công điện số 224/CĐ - TTg ngày 12/2/2020 về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động XNK vận chuyển hàng hóa qua biên giới, trong đó cho phép tiếp tục hoạt động XNK, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3 + 4 phường Hải Yên, TP. Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh.
Theo Sở Công Thương Lạng Sơn, tính đến hết ngày 19/3/2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có 05 cửa khẩu được phép thực hiện thông quan hàng hóa XNK trở lại, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Chi Ma, cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu phụ Tân Thanh, cửa khẩu phụ Cốc Nam.
Kết quả từ ngày 5/2/2020 đến ngày 19/3/2020 tại các cửa khẩu đã thực hiện thông quan XNK hàng hóa được 23.449 xe (xuất khẩu 10.860 xe, nhập khẩu 12.589 xe. Tuy nhiên, năng lực thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh còn rất hạn chế, trung bình mỗi ngày chỉ xuất khẩu được từ 130 đến 150 xe hàng, trong đó sang tải hàng hóa chỉ đạt 50%, số còn lại phải tồn lại tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Pò Chài (Trung Quốc). Trong khi đó, lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh nội địa lên khu vực chờ xuất ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Đến hết ngày 19/32020, còn tồn khoảng 1.000 xe hàng (chủ yếu là hàng nông sản).
Nêu cụ thể nguyên nhân hàng vẫn còn tồn đọng, Sở Công Thương Lạng Sơn khẳng định, là do phía Trung Quốc thời điểm hiện nay đang rất thiếu nhân lực lao động, đặc biệt là lao động bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Bên cạnh đó, hiện các lực lượng chức năng của phía Trung Quốc đang tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang do dịch Covid -19 tại các tỉnh thành của Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng.
Các cặp cửa khẩu phụ còn lại của tỉnh Lạng Sơn chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu nông sản, từ khi phát sinh dịch bệnh Covid - 19 đến nay, các cửa khẩu này đã tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đang thống nhất cùng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa XNK tại các cặp cửa khẩu phụ này, trên cơ sở đảm bảo thực hiện chặt chẽ quy trình phòng chống dịch bệnh như các cửa khẩu phụ khác như Tân Thanh, Cốc Nam.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết ngày 19/3/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 03 cửa khẩu được phép thực hiện thông quan hàng hóa XNK trở lại, đó là cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu song phương Hoành Mô, lối mở Km3 + 4 , phường Hải Yến - TP. Móng Cái. Kết quả từ ngày 5/2/2020 đến ngày 19/3/2020, tại các cửa khẩu hiện thông quan XNK hàng hóa được 5.364 xe (xuất khẩu 1.482 xe, nhập khẩu 3.882 xe ). “Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thông quan hàng hóa tại lối mở Km3 + 4 , tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn của tỉnh Quảng Ninh đã tăng đáng kể nhưng chưa thực sự tương xứng với năng lực thông quan hàng hóa của tỉnh”- báo cáo Sở Công Thương Quảng Ninh nhấn mạnh.
Điều tiết tránh ùn tắc cửa khẩu
Với thực trạng trên, việc cho phép khôi phục lại hoạt động của các cửa khẩu biên giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 224/CĐ - TTg và áp dụng thống nhất quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 829/BYT-MT đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản và trái cây tươi qua biên giới phía Bắc, đồng thời vẫn đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.
Đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid - 19 của Trung Quốc đang được cải thiện đáng kể, trong đó riêng tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã hạ cấp độ ứng phó với tình trạng khẩn cấp từ cấp 1 xuống cấp 3. Hai tỉnh này đã và đang khôi phục từng phần hình thức mua bán, trao đổi cư dân biên giới để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng cao trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh. “Đây là yếu tố thuận lợi để tiếp tục khôi phục, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong thời gian tới”- báo cáo khẳng định.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam sẽ tiếp tục vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi năng lực thông quan của các cửa khẩu biên giới đã được mở lại như hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ, mất nhiều thời gian nên lượng hàng hóa được thông quan XNK mới chỉ đạt khoảng 50 - 60 % so với trước dịch. Điều này có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa tại khu vực biên giới, phần nào làm giảm hiệu quả của các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả như thời gian vừa qua.
Để đảm bảo mục tiêu kép vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 808 /VPCP - KTTH và Công điện số 224/CĐ - TTg, Bộ Công Thương xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Cho phép mở lại các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (là những cửa khẩu phụ đã đáp ứng đủ quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ - CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và đã được Chính quyền địa phương hai bên thống nhất được phép mua bán, trao đổi, XNK hàng hóa hiện đang tạm thời bị đóng cửa theo Chỉ thị số 06/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện mật ngày 2/2/2020 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng - Bộ Quốc phòng) trên cơ sở đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 .
Theo đó, quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện vận tải tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu phụ này phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 829/BYT - MT và các văn bản khác có liên quan được Chính quyền địa phương hai bên thống nhất, triển khai áp dụng chặt chẽ theo nguyên tắc đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, UBND các tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn ưu tiên bố trí nguồn lực phù hợp để đảm bảo phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định, đồng thời sớm trao đổi, thông nhất với các địa phương biên giới phía Trung Quốc để tổ chức triển khai thực hiện; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đảm bảo các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sáng nay 23/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (SARS-CoV-2) đã họp triển khai các biện pháp ứng phó. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp và đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối gửi thuốc men và một số vật tư y tế phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ và gia đình đang công tác tại các cơ quan đại diện, bao gồm cán bộ Thương vụ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đồng ý việc áp dụng mở rộng đối với các nước có biên giới với Việt Nam (như đã áp dụng với Trung quốc), đối với người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt...(Công điện 224 của Thủ tướng) để khơi thông việc trao đổi hàng hoá. Ngoài ra, đối đối với việc cung ứng mặt hàng khẩu trang (cả khẩu trang y tế và khẩu trang theo tiêu chuẩn QĐ 870 của Bộ Y tế) sẽ giao Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương thực hiện, dùng tiền từ ngân sách nhà nước để đặt hàng, mua từ các doanh nghiệp theo quy định. |