Giá bán lẻ điện bình quân từ 9/11/2023 tăng 4,5% Đề xuất rút biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 6 xuống 5 bậc |
Hiện, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” (viết tắt Dự thảo Quyết định) để thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu giá bán lẻ điện.
Trong dự thảo (khoản 1, 2,3 Điều 3 và tại Phụ lục), Bộ Công Thương đã nghiên cứu bổ sung giá bán điện cho nhóm khách hàng là trạm, trụ sạc xe điện.
Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện theo Phương án 1 (Ảnh: Thu Hường) |
Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuát điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện (Phương án 1). Đây là phương án tại Dự thảo Quyết định lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Hầu hết các ý kiến góp ý đều thống nhất/không phản đối với quy định nêu trên tại Dự thảo Quyết định.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận được các ý kiến khác nhau về vấn đề này, cụ thể: Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá kinh doanh (Phương án 2); Bộ Giao thông vận tải và Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast đề nghị áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá sản xuất (Phương án 3).
Bộ Công Thương cho rằng do Phương án 3 áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với mục đích sạc xe điện sẽ phát sinh bù chéo từ các nhóm khác hàng khác. Phương án này không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó không thực hiện bù chéo giữa các nhóm khách hàng nên Bộ Công Thương kiến nghị không xem xét phương án này mà chỉ xem xét Phương án 1 và Phương án 2 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định lựa chọn phương án áp dụng.