Thủy điện Hố Hô (Ảnh minh họa) |
Báo cáo nêu rõ, từ ngày 13-16/10/2016 tại các tỉnh Bắc Trung bộ đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, gây ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của các địa phương từ tỉnh Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Về nguyên nhân ngập lụt, dư luận và chính quyền một số địa phương cho rằng việc xả lũ thủy điện Hố Hô đã tác động và làm trầm trọng thêm việc ngập lụt ở hạ du. Để làm rõ nội dung này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua (trong đó có việc xả lũ của hồ chứa thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh).
Trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có 21 công trình thủy điện đang vận hành và đều có quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được Bộ Công Thương hoặc UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt 17 quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, còn lại do UBND các tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực: sông Mã; sông Cả; sông Hương (bao gồm các hồ chứa thủy điện: Hủa Na, Bản Vẽ, Khe Bố, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới). Trong đợt lũ vừa qua, hầu hết các hồ chứa thủy điện đều xả lũ với lưu lượng nhỏ. Chỉ có 2 hồ chứa xả với lưu lượng từ 1.000m3/s trở lên là Hố Hô xả 1.843 m3/s và Đắkrông 2 xả 1.000 m3/s.
Với riêng công trình thuỷ điện Hố Hô, báo cáo đánh giá, nhà máy đã thực hiện các nội dung quy định về công tác phòng chống lụt bão. Tuy nhiên, việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa được chi tiết, chủ yếu kiểm tra bằng trực quan nên chưa lường được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão (như sạt trượt mái đào vai đập, sạt lở đường vận hành nhà máy dẫn đến phương tiện cơ giới không vào được, hư hỏng đường lên đập)… Vị trí đặt máy phát điện dự phòng diesel 250kVA chưa phù hợp, vẫn có thể bị sự cố do sạt trượt nên chưa bảo đảm yêu cầu sẵn sàng cấp điện khi xảy ra sự cố.
Việc thực hiện thông tin, báo cáo về tình hình vận hành đập và thông tin xả lũ cho các cơ quan liên quan của địa phương cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, nội dung thông tin trong các văn bản chỉ nhắc lại tin cảnh báo mưa lớn do áp thấp nhiệt đới và thông báo tình hình vận hành của nhà máy; chưa thể hiện rõ nội dung cảnh báo xả lũ của công trình; không có đầu mối thông tin, liên lạc dự phòng trong trường hợp đầu mối chính không liên lạc được… Chiều 14/10, khi nhà máy xả lũ khẩn cấp đảm bảo an toàn cho công trình, chưa báo cáo Bộ Công Thương theo quy định; chưa có căn cứ thể hiện việc thông báo khi xả lũ khẩn cấp do sự cố cho cơ quan liên quan…
Về việc thực hiện quy định tại Quy trình vận hành hồ chứa, Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương chưa nhận được các kiến nghị điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hố Hô của UBND tỉnh liên quan và chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô. “Về cơ bản, việc vận hành công trình thủy điện Hố Hô trong thời gian mưa lũ vừa qua là phù hợp với các nguyên tắc chính trong quy trình vận hành” - Bộ Công Thương nhận định.
Theo Bộ Công Thương, qua tính toán kiểm tra lưu lượng theo mực nước hồ cho thấy, việc vận hành xả lũ của hồ chứa Hố Hô có làm tăng lưu lượng về hạ du trung bình khoảng 192 m3/s từ 17 giờ 30 ngày 14/10 đến 2 giờ ngày 15/10 nhưng việc vận hành trong trường hợp sạt trượt dẫn đến nguy cơ đe dọa an toàn công trình là phù hợp với quy định. Tuy nhiên, sổ vận hành, số liệu quan trắc, dự báo mực nước, lưu lượng đến hồ và lưu lượng xả trong đợt lũ chưa đầy đủ, chi tiết và tần suất quan trắc không đảm bảo theo quy định; chưa lập kế hoạch điều tiết nước hồ chứa và tổ chức thông báo kế hoạch điều tiết nước cho UBND các cấp; chưa thực hiện báo cáo định kỳ về kết quả quan trắc, tình hình khai thác, sử dụng nước từ khi được cấp giấy phép đến nay về Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Đánh giá việc vận hành thủy điện Hố Hô có ảnh hưởng đến ngập lụt hạ du hay không, Bộ Công Thương cho hay, hồ chứa thủy điện Hố Hô có dung tích điều tiết nhỏ, khoảng 6 triệu m3, không có khả năng để cắt lũ cho hạ du, đặc biệt khi lũ về hồ nhanh, lưu lượng tăng từ 550 m3/s đến 1.843 m3/s trong thời gian chỉ có 3 giờ 30 phút. Ngoài ra, diện tích lưu vực đến đập công trình thủy điện Hố Hô chỉ là 278,6km2 trong tổng diện tích lưu vực tới ngã 3 sông Ngàn Sâu và sông Tiêm là 830 km2 (khoảng 33,5%). Diện tích lưu vực khu giữa từ đập Hố Hô tới ngã 3 sông Ngàn Sâu và sông Tiêm là 551,3 km2 (khoảng 66,5%).
Vì vậy, việc ngập lụt trên diện rộng, trong đó có 11 xã sau đập Hố Hô của huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh là vùng thấp và hợp lưu của nhiều nhánh sông là do đợt mưa lớn. Việc xả lũ của hồ chứa Hố Hô trong tình huống khẩn cấp, làm gia tăng lưu lượng về hạ du trung bình khoảng 192 m3/s trong khoảng thời gian từ 17h30 ngày 14/10/2006 đến 02h00 ngày 15/10/2006 đã ảnh hưởng nhất định tới việc lũ về hạ du, đặc biệt là các xã ngay sau đập. Tuy nhiên, việc xả lũ trong tình huống khẩn cấp là phù hợp với Quy trình vận hành hồ chứa để tránh nguy cơ xảy ra sự cố lớn hơn cho vùng hạ du.
Trường hợp không mở hoàn toàn cửa van tràn, mưa lớn tiếp tục kéo dài, sạt trượt làm trạm diesel và trạm phân phối điện bị tê liệt, mực nước trong hồ dâng cao tràn qua, gây vỡ đập thì thiệt hại cho khu vực hạ du sẽ vô cùng lớn.
TIN LIÊN QUAN | |
Sẽ tiếp tục rà soát việc quản lý vận hành hồ chứa thủy điện |