Đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện |
Ngày 07/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Chương trình Tiết kiệm điện), Chương trình nhằm đạt các mục tiêu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc.
Báo cáo cho thấy, nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh trong khi nguồn cung điện hạn chế. Do vậy, tiết kiệm điện đang được xem là giải pháp căn cơ cho nền kinh tế xanh và an ninh năng lượng quốc gia.
Nguy cơ thiếu điện hiện hữu
Trong giai đoạn 2010-2019, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới với mức tăng trưởng khoảng 6%/năm, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 10,9% trong giai đoạn 2010-2015 và 10,1% trong giai đoạn 2016-2019.
Tuy nhiên với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, về cơ bản Việt Nam vẫn luôn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và điện năng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định về xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày và trong thời gian diễn ra SEA Games 31.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 133,039 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn 587 triệu kWh so với kế hoạch đầu năm được phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT.
Theo tính toán cập nhật, lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,235 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT. Đánh giá tổng thể, Bộ Công Thương nhận định việc cung cấp điện năm 2022 đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong tháng 6/2022, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 45.000MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 45.528MW. Sản lượng điện ngày toàn hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên vượt 900 triệu với con số cụ thể là 909 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021 là 880 triệu kWh. Ngày 04/7/2022 hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp dẫn tới ảnh hưởng làm gián đoạn cung cấp điện của một số khách hàng ở phía Bắc
Báo cáo đã chỉ rõ, trong khi tốc độ xây dựng các nhà máy điện tại Việt Nam để đáp ứng như cầu tăng cao đang bị chậm, công suất đưa vào chỉ đạt 53% so với quy hoạch điện VII, đặc biệt các dự án nhiệt điện than gặp rất nhiều các khó khăn, có thể kể đến các dự án đang gặp khó khăn như Long Phú I, Na Dương II, Quảng Trị I, Vĩnh Tân III…
Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Vì vậy, song song với việc khai thác, nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tiết kiệm điện năng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp đảm bảo an ninh cung ứng điện quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050
Những kết quả đạt được
Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình tiết kiệm điện, Bộ Công thương đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tiết kiệm điện cũng như Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Đồng thời, phối hợp với với EVN xây dựng phương pháp tính sản lượng điện tiết kiệm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm hỗ trợ các tỉnh triển khai các giải pháp và tính toán sản lượng điện tiết kiệm trên địa bàn tỉnh.
Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc thi sáng tạo logo và slogan cho Chương trình tiết kiệm điện, thực hiện Chỉ thị số 20. Cuộc thi đã thu hút được 699 tác phẩm từ 408 tác giả là các chuyên gia thiết kế, kiến trúc sư, họa sĩ, đơn vị thiết kế, sinh viên các trường thiết kế đồ họa, mỹ thuật, các cá nhân ở nhiều độ tuổi khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với Hội Khoa học công nghệ - Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tổ chức cuộc thi Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2020 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm ít tiêu hao năng lượng cung cấp cho thị trường Việt Nam thúc đẩy sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng sản phẩm hiệu suất cao, thân thiện môi trường.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương trên toàn quốc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20; Tổ chức các buổi tọa đàm trên Đài truyền hình, đài tiếng nói Việt Nam nhằm tuyên truyền về các quy định của pháp luật về tiết kiệm điện; Xuất bản các Bản tin tiết kiệm năng lượng, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để có những bài viết tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về tiết kiệm điện...
Công tác tuyên truyền tiết kiệm điện được các công ty Điện lực triển khai sâu rộng đến các khách hàng sử dụng điện |
Tổ chức Hội nghị toàn quốc về tiết kiệm năng lượng với sự tham dự của trên 50 Sở Công Thương, Sở Khoa học và công nghệ và các Trung tâm khuyến công, trung tâm tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, trong đó quán triệt đến các đơn vị lồng ghép các chương trình tiết kiệm điện, các giải pháp tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 tại địa phương vào các chương trình tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác thanh kiểm tra, năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3935/BCT-TKNL ngày 30 tháng 12 năm 2019 về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm 2020, trong đó Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra 22 đơn vị bao gồm các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháo tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng.
Năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3425/QĐ-BCT ngày 23 tháng 12 năm 2020 về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra năm 2021, trong đó Bộ Công Thương dự kiến kiểm tra 15 đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các quy định về tiết kiệm điện. Tuy nhiên kế hoạch kiểm tra được chuyển sang năm 2022 vì tình hình đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.
Đối với công tác hỗ trợ kỹ thuật, năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành 03 hướng dẫn kỹ thuật về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho 03 ngành: chế biến thủy sản, sành sứ và Dệt nhuộm.
Năm 2021, Bộ Công Thương đã: Xây dựng định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành: vận tải biển, kính xây dựng, ngành khai thác than, chế biến gạo; Xây dựng 10 mô hình quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp, mô hình Biogas tiết kiệm điện cho các trang trại chăn nuôi trong ngành nông nghiệp và mô hình quản lý năng lượng trong ngành khai thác than, ngành giấy tái chế; Hỗ trợ xây dựng 05 hệ thống chiếu sáng đèn Led cho cây thanh long; Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 23 doanh nghiệp, từ đó áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm; Hỗ trợ 09 doanh nghiệp triển khai áp dụng têu chuẩn ISO 50001 quản lý năng lượng tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hỗ trợ cho các địa phương xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 20, đã có 54 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch và cố đầu mối triển khai thực hiện Chỉ thị số 20. Qua đó các tỉnh, thành phố đã triển khai các hoạt động, giải pháp tiết kiệm điện cũng như thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, hấp dẫn.
Đặc biệt, có 63/63 tỉnh, thành phố đã tham gia Sự kiện Giờ trái đất năm 2020 và 2021. Chiến dịch Giờ Trái đất đã lan tỏa thông điệp sâu sắc, góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý nhằm tiết kiệm điện cũng đã được triển khai mạnh mẽ cụ thể như: Khuyến khích các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất đầu tư điện mặt trời áp mái;Thay thế hệ thống đèn halogen chiếu sáng công cộng bằng đèn Led tiết kiệm điện; Thay thế hệ thống đèn trong chiếu sáng học đường; Nhiều cơ quan, đơn vị sản xuất trên địa bàn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tiết kiệm điện và cam kết giảm 2%/năm điện năng so với nhu cầu sử dụng; Tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn tiết kiệm điện cho doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân; Hỗ trợ 1.200 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng; Vận động được hơn 9.500 hộ dân lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nối mái thông qua Chương trình tiết kiệm điện...
Thách thức đặt ra
Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn cho công tác triển khai thực hiện Chương trình tiết kiệm điện, cụ thể như: Giá điện thấp dẫn đến chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành sản xuất còn thấp nên nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đồng đều; Cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và chưa tạo ra được động lực đối với người dân, doanh nghiệp và cộng đồng; Trình độ công nghệ kỹ thuật, thiết bị và việc quản lý sử dụng trong các ngành, lĩnh vực sản xuất còn bất cập, hạn chế, dẫn đến có mức tiêu thụ điện, tiêu hao nhiên liệu cao...
Để khắc phục, cần phải cải thiện hành vi sử dụng điện; Xây dựng và tổ chức triển khai các quy tắc xã hội, cộng đồng, nội quy, quy định về sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp…
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương; huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung Chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra về sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các bộ, ngành và địa phương và cần có các biện pháp nhắc nhở, xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về giải pháp công nghệ, kỹ thuật, cần xây dựng và lồng ghép triển khai chương trình tài trợ cho các nghiên cứu, triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ về tiết kiệm điện/năng lượng vào chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các bộ, ngành, địa phương; Phát động phong trào về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về tiết kiệm điện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.
Về dài hạn, Chính phủ cần ban hành cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sử dụng điện, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, thực hiện đầu tư nâng cấp, thay thế, áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo xây dựng và vận hành thí điểm quỹ hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quyết định số 280/QĐ-TTg.
Tiết kiệm tối thiểu từ 2% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia
Để đạt mục tiêu mà Chương trình đặt ra mức tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia mỗi năm, Báo cáo cũng đã chỉ ra mục tiêu cụ thể như:
Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6,5% trong giai đoạn 2020-2025.
Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 – 2025. Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp...
Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ của lĩnh vực. Riêng lĩnh vực dân dụng tiết kiệm tối thiểu 2,5% tổng điện năng tiêu thụ .
Theo đó, để đạt mục tiêu trên nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, cơ quan công sở, doanh nghiệp phải có chính sách, kế hoạch sử dụng tiết kiệm điện, người dân phải nâng cao ý thức tiết kiệm điện.
Đi kèm với đó là các cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tuyên truyền vận động , xây dựng và tổ chức xây dựng, thực hiện các quy định, quy tắc về sử dụng điện, mua sắm thiết bị, máy móc tại các cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như các giải pháp về kỹ thuật khác...
Báo cáo cũng đề xuất công tác tổ chức phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, các khách hàng sử dụng điện trong việc thực hiện Chương trình tiết kiệm điện.
Một số kiến nghị với Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ định kỳ tổ chức họp rà soát, đánh giá triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và chương trình tiết kiệm điện.
Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện nói riêng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 20/CT-TTg.
Chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn về cơ chế tài chính để các Bộ, ban, ngành và các địa phương có căn cứ trong việc lập kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát bổ sung, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng đối với các thiết bị tiêu thụ điện.
Chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các Đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương xây dựng và thực hiện liên tục các chương trình phát thanh và truyền hình về tiết kiệm điện, áp dụng đơn giá phù hợp cho việc tuyên truyền, phổ biến về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng mục tiêu Chương trình Tiết kiệm điện cho địa phương và gắn trách nhiệm hành chính của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc thực hiện mục tiêu đó