Tìm giải pháp tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu gạo Tạo điều kiện tối đa cho xuất khẩu gạo Cơ hội nâng tầm gạo Việt |
Thông tư này quy định về các giao dịch xuất khẩu gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung và việc ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung; chế độ báo cáo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Thông tư áp dụng với cả thương nhân xuất khẩu gạo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xuất khẩu gạo được kỳ vọng bứt phá trong thời gian tới nhờ thay đổi về chính sách |
Theo Thông tư 30/2018/TT-BCT, việc chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Trường hợp từ hai thương nhân trở lên được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường có hợp đồng tập trung thì thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên. Đây là cơ chế được áp dụng khi có từ hai thương nhân trở lên được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường có hợp đồng tập trung nhưng cơ quan có thẩm quyền hoặc nhà nhập khẩu nước ngoài được chỉ định yêu cầu mỗi đợt đấu thầu nhập khẩu gạo theo hợp đồng tập trung chỉ có một thương nhân được tham gia ký kết, giao dịch hợp đồng. Phân bổ chỉ tiêu cho các thương nhân đầu mối theo cơ chế luân phiên 3 như sau: Thương nhân đầu mối theo cơ chế luân phiên được trực tiếp xuất khẩu 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung. Trong đó, thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung được thực hiện 2/3 số lượng 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung. Các thương nhân đầu mối không tham gia ký kết hợp đồng tập trung được phân bổ thực hiện 1/3 số lượng 20% lượng gạo trong hợp đồng tập trung.
Cũng theo Thông tư 30/2018/TT-BCT, việc phân bổ chỉ tiêu thực hiện hợp đồng tập trung cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để ủy thác xuất khẩu thực hiện theo quy định và tiêu chí quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 19 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Hiệp hội Lương thực Việt Nam không được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu ủy thác cho các thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được cấp theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Trong trường hợp thương nhân không thực hiện được toàn bộ hoặc một phần chỉ tiêu ủy thác đã được phân bổ thì thương nhân phải có văn bản trả lại chỉ tiêu đó gửi cho các thương nhân đầu mối và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong vòng 3 ngày kể từ ngày có quyết định phân bổ chỉ tiêu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Quá thời hạn trên, thương nhân bị xác định là không thực hiện chỉ tiêu ủy thác.
Trên cơ sở tổng hợp lượng gạo mà các thương nhân trả lại chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu hoặc không thực hiện, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ lại cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khác hoặc cho thương nhân đầu mối giao dịch, ký kết hợp đồng. Trường hợp phân bổ lại cho các thương nhân đầu mối trong cơ chế đầu mối luân phiên thì thực hiện theo nguyên tắc thương nhân đầu mối ký kết hợp đồng tập trung thực hiện 2/3 lượng gạo, các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng tập trung thực hiện 1/3 lượng gạo.
Thông tư 30/2018/TT-BCT cũng quy định, định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, thương nhân báo cáo Bộ Công Thương tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo. Định kỳ vào thứ 5 hàng tuần, thương nhân báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11 tới. Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10, Nghị định 107 do Bộ Công Thương trình Chính phủ xây dựng và ban hành được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng, đã tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy xuất khẩu gạo.