“Nở rộ” thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận trước kỳ thi tốt nghiệp THPT Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp triệt phá đường dây gian lận thi cử lớn Làm thế nào để chống gian lận thi cử? |
Chỉ còn một tuần nữa Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ chính thức diễn ra. Hiện công tác chuẩn bị đã được các địa phương cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi.
Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố |
Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn bày tỏ lo ngại khi hiện nay xuất hiện nhiều thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Mặc dù cán bộ coi thi đã được tập huấn, diễn biến kỳ thi phức tạp.
“Còn ít ngày nữa, kỳ thi sẽ diễn ra nhưng trong thời gian này vẫn có thể xuất hiện các thiết bị mới. Chúng tôi mong Bộ Công an liên tục cập nhật để cán bộ coi thi nắm bắt thông tin” - bà Hạnh đề nghị.
Ngoài ra, cũng theo bà Hạnh, hiện nay, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin có thể là tâm tư của phụ huynh, học sinh... song chưa được kiểm chứng, gây hoang mang, khiến dư luận hiểu lầm về kỳ thi. Bà Hạnh đề nghị Bộ Công an rà soát và xử lý nghiêm.
Tại Quảng Ninh, bà cho biết, trong công tác chuẩn bị, địa phương đã rà soát, vận động nhà dân sát điểm thi hạn chế sử dụng wifi trong ngày thi, tránh tình trạng thí sinh mang thiết bị vào phòng thi, kết nối mạng và chụp đề thi ra ngoài.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cảnh báo thiết bị định tuyến nằm ngay trong đế giày |
Trong khi đó, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) - cho hay, Bộ Công an đã tham gia tập huấn phát hiện các nguy cơ tiêu cực, chú trọng nắm tình hình, đấu tranh xử lý các đối tượng mua bán thiết bị sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số địa phương chưa hiểu rõ mức độ quan trọng của công tác an ninh như nơi bảo quản đồ dùng của thí sinh phải cách 25m so với nơi thí sinh làm bài thi... Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh, địa phương sẵn sàng phối hợp để đảm bảo các quy định của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được đề ra.
Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, tình hình sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, thậm chí một số quốc gia đã có việc sử dụng AI trong gian lận thi cử. “Các thiết bị định tuyến giờ đây không chỉ ở những vị trí cách xa trong vòng 25m mà được thiết kế nằm ngay ở đế giày. Vì vậy việc phát hiện các thiết bị gian lận này của chúng ta sẽ ngày càng khó khăn hơn. Do đó, các hội đồng thi cần tăng cường công tác tập huấn phát hiện, nhận biết thiết bị công nghệ cao” - ông Mạnh thông tin và khuyến nghị.
Ông Mạnh cũng chỉ ra công tác tuyên truyền sớm với thí sinh là cần thiết để các em biết những gì được và không được mang vào phòng thi, hạn chế mang đồ dùng, tư trang đến điểm thi. Những nhà dân gần trường cũng cần được tuyên truyền để không tiếp tay cho hành vi gian lận thi cử...
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương chuẩn bị kỹ mọi mặt, tuyệt đối không chủ quan ở bất kỳ khâu nào |
Để kỳ thi được diễn ra an toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tất cả Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó nêu rất rõ đối với nhiệm vụ của Bộ Giáo dục Đào tạo, đối với UBND các tỉnh thành phố, kèm theo nhiệm vụ của các bộ ngành, liên quan như: Công an, Viễn thông, Giao thông vận tải, Y tế...
Với các nhóm vấn đề, theo ông Thưởng, tựu chung lại có 4 từ khóa là “tuyệt đối an toàn” bao gồm an toàn về bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi; an toàn về vệ sinh thực phẩm; an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về điện nước; an toàn giao thông… Chức năng an toàn này ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi vị trí cần được cụ thể hóa, phân công trách nhiệm, rõ về nội dung và phương pháp chỉ đạo.
“Xử lý kịp thời những vấn đề, tình huống phát sinh, bất thường” tức là với quy mô lớn, phức tạp, hàng triệu thí sinh dự thi, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia vào công tác thi thì không thể tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường như thiên tai lũ lụt, điện, nước… phải có phương án dự phòng, có tiên lượng trước. Mặt khác, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu.
Đồng thời, ông nhấn mạnh cần tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay, các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất phải lựa chọn con người. Cần tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, nhận thức để mỗi người thấy được trách nhiệm, thậm chí là những rủi ro nếu vi phạm, nguy cơ đối diện nếu gian lận, và hình thức xử lý nếu vi phạm.
Năm 2024, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong đó, có 46.978 thí sinh tự do, chiếm 4,38% tổng số thí sinh. Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ là 66.927 thí sinh, chiếm 6,25% tổng số thí sinh, trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP. Hồ Chí Minh có 13.076 thí sinh. Tổng số điểm thi của kỳ thi năm nay là 2.323 điểm, tăng 51 điểm thi so với năm 2023 và 45.149 phòng thi. |