Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, các nghị quyết của HĐND tỉnh theo quy định và phù hợp tình hình thực tế ở địa phương.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định này. Đồng thời, tăng cường tính chủ động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và kịp thời phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thời gian quy định. Cùng với đó còn bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế, kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có của cơ quan, đơn vị, địa phương…
Cụm công nghiệp Hà Nam, tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Hải Linh) |
Ngoài ra, tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp rà soát các văn bản pháp luật hiện hành do UBND tỉnh ban hành và nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Qua đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp hoặc ban hành mới theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh rà soát phương án phát triển cụm công nghiệp thuộc Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 1701, ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn Bình Thuận. Xúc tiến xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo khả thi, đủ quỹ đất để thành lập, đầu tư phát triển cụm công nghiệp có trong danh mục theo tiến độ quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng và trình ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận.
UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp việc thực hiện rà soát theo kế hoạch hàng năm, có giải pháp đề xuất UBND tỉnh xử lý các cụm công nghiệp, dự án trong cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Cùng tham gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận theo chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh…
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai giải pháp quản lý, kế hoạch chuyển đổi khả thi, phù hợp quy định của pháp luật liên quan đối với trường hợp cụm công nghiệp rút khỏi quy hoạch. Tiếp nữa là chủ trì, phối hợp trong việc quyết định hỗ trợ đầu tư hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp.
Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì các sở, ngành, UBND các huyện - thị xã - thành phố và tổ chức, cá nhân liên quan cần kịp thời phản ánh cho Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết…
Theo quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ có 38 cụm công nghiệp, tổng diện tích đất được phân bổ 1.278,4 ha. Hiện tỉnh có 27 cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút 175 dự án vào đầu tư, diện tích trên 270 ha, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt khoảng 36%. Các cụm công nghiệp cũng đang giải quyết một lượng lớn việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng sản xuất công nghiệp. |