Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Với vai trò là đơn vị đầu mối trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước về lĩnh vực Công Thương, bên cạnh nỗ lực rà soát nhằm cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, thời gian qua, ngành Công Thương Bình Phước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết các TTHC, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Sở Công Thương Bình Phước đã ban hành quy chế thực hiện mô hình 4 tại chỗ trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công |
Ông Nguyễn Anh Hoàng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước - cho biết, hiện Sở Công Thương Bình Phước đã ban hành quy chế thực hiện mô hình 4 tại chỗ (gồm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và trả kết quả tại chỗ) trong giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính công. Triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng chữ ký số cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính điện tử.
Đặc biệt, công chức lãnh đạo được cấp phát chữ ký số eToken để sử dụng trong hoạt động công vụ tại cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của Sở, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người dân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2019, được xem là năm thắng lợi của ngành Công Thương Bình Phước với nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch ở mức khá cao. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,04% so với năm 2018, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,13%; thương mại - dịch vụ tăng 19,54%; xuất khẩu tăng 8,01%.
Với sự đồng hành của ngành Công Thương, tình hình kinh tế, xã hội năm 2019 của Bình Phước tiếp tục chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,8%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay.
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu
Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, một trong những đột phá trong năm qua là sở đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp điện cho DN từ 14 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc, giảm 9 ngày so với quy định… Theo kế hoạch, trong năm 2020 sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Sở tại Trung tâm hành chính công, tăng cường năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho DN và nhà đầu tư.
Hạt điều là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của tỉnh Bình Phước |
Song song đó, ngành Công Thương Bình Phước sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo công tác CCHC từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ DN như: thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ kịp thời cho DN.
“Năm 2020, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển và thu hút đầu tư vào các công nghiệp chế biến sâu và các ngành mũi nhọn, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tích hợp công nghệ tiên tiến từ cuộc CMCN 4.0 vào trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh”, ông Hoàng cho biết thêm.
Đặc biệt, Sở tăng cường hợp tác đầu tư với các tỉnh thành phố trong khu vực, các tập đoàn kinh tế lớn, để bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghiệp. Rà soát điều chỉnh, quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn Bình Dương phục vụ thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Năm 2020, Sở Công Thương Bình Phước đề ra mục tiêu thực hiện: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14%; Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng dự kiến đạt 60.000 tỷ đồng, tăng 15,38% so năm 2019; Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2.560 triệu USD, tăng 8,02% so với năm 2019... |