Lý giải về giá phân bón tăng
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) - cho rằng, giá phân bón tăng không phải do cầu vượt cung. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Nhu cầu sử dụng phân bón trong nước không tăng trong những năm gần đây, trên 10 triệu tấn.
6 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón các loại đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, tăng 11,7% so cùng kỳ 2020.
Cụ thể, phân NPK đạt trên 2,2 triệu tấn; phân urê đạt 1,244 triệu tấn; phân lân đạt khoảng 900.000 tấn; phân DAP, MAP đạt 341.000 tấn, tức là gần 95% công suất thiết kế (năm 2020, sản xuất DAP và MAP chỉ đạt 60% công suất thiết kế).
Riêng đối với phân DAP và MAP, lượng bán ra từ nguồn sản xuất trong nước là khoảng 355.000 tấn, tăng 84,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lượng phân bón nhập khẩu đến hết tháng 6 đạt khoảng 2,31 triệu tấn, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón xuất khẩu khoảng 667.000 tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2020.
| Sản xuất | Nhập khẩu | Xuất khẩu | Tiêu thụ trong nước (SX+NK-XK) |
6 tháng 2020 | 4,2 triệu tấn | 2,01triệu tấn | 461.000 tấn | 5,749 triệu tấn |
6 tháng 2021 | 4,69triệu tấn | 2,31 triệu tấn | 667.000tấn | 6,333 triệu tấn |
So sánh | Tăng 11,7% | Tăng 15% | Tăng 44,7% | Tăng 10,16% |
Số liệu trên cho thấy, dù lượng phân bón xuất khẩu tăng khá nhưng tổng nguồn cung phân bón cho sản xuất trong nước vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, dù xuất khẩu tăng khá nhưng lượng phân bón do trong nước sản xuất dành cho nhu cầu nội địa vẫn đạt trên 4 triệu tấn, tăng 284 ngàn tấn so với mức 3,74 triệu tấn của 6 tháng đầu năm 2020. “Số liệu này chứng minh, không có sự chênh lệch cung cầu và đây không phải là nguyên nhân đẩy giá phân bón tăng cao”, ông Trung nhận định.
Nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm 2021 tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - phân tích thêm, giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón. Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh. Bên cạnh đó, giá các loại nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón đều tăng rất mạnh trong thời gian qua dẫn đến giá thành tăng. Chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển, cũng tăng mạnh khiến chi phí đầu vào tăng…
Theo như phân tích trên, các loại phân bón hóa học (phân bón vô cơ) được sản xuất trên nền tảng công nghệ lấy khí là nguyên liệu chính, dầu là chất đốt quá trình. Nước ta đã phải tăng nhập khẩu dầu thô lên nhiều lần từ năm 2018 đến nay để chế biến và phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng. Khi giá dầu thô Mỹ tăng mạnh 25,9% đầu năm 2021 và tiếp tục duy trì do diễn biến kinh tế thế giới, tình hình Trung Đông cùng đại dịch Covid-19 kéo dài, đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.
Giá dầu còn chưa hạ nhiệt kéo giá khí vẫn ở mức cao. Giá dầu tăng thì giá khí tăng, giá khí tăng thì giá urea từ khí tăng. Urea từ khí tăng thì urea từ than tăng. Với NPK, lưu huỳnh có mức tăng trên 170% so thời điểm thấp nhất năm 2019. Amoniac dùng trong sản xuất DAP, một thành phần trong sản xuất Ure có giá bán gấp 200%. Với 50% giá thành sản xuất Ure đến từ giá khí thì con số này là áp lực lớn.
Cần hài hòa các giải pháp và giải quyết triệt để đầu ra nông sản
Để bình ổn thị trường phân bón, trước mắt cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Các doanh nghiệp nỗ lực tối đa chuẩn bị nguồn hàng cần thiết, vận chuyển hàng về các khu vực trong lúc thấp vụ để chuẩn bị sẵn cho vụ Đông Xuân sắp tới đảm bảo nguồn cung phân bón ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; từ đó loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng. Việc áp dụng các quy định hành chính vào thị trường khi Việt Nam đã có những cam kết quốc tế càng khó khả thi. Trong khi liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tối đa, thì theo báo cáo nghiên cứu thị trường, các doanh nghiệp cũng chia sẻ cái khó của họ nếu chỉ chăm chăm thị trường trong nước. Dự báo đến tháng 12/2021, lượng tồn kho ure có thể lên đến 461.000 tấn. Nếu không có giải pháp giải quyết đầu ra, tình hình tồn kho ure trong nước sẽ đạt mức cao gấp 2 lần vào cuối quý 4/2021. Tình trạng thừa cũng này rất dễ hiểu trong ngành phân bón vì liên quan đến yếu tố mùa vụ, nhu cầu tiêu thụ trong nước trong quý III/2021 giảm; nông dân chuyển sang dùng phân NPK do phân đơn tăng; Giá nông sản thấp; Mức độ đầu tư cho nông nghiệp thấp. Và chính con số tồn kho sẽ gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp không thua kém gì ách tắc về đầu ra nông sản khi doanh nghiệp buộc phải hạn chế xuất khẩu trong khi trong nước khi có nhu cầu.
Cần nhìn nhận, vấn đề quan ngại hiện nay là đầu ra cho nông sản chứ không chỉ nhìn từ phía giá phân bón tăng. Cụ thể dù được mùa nhưng giá lúa “nhảy múa” liên tục theo thời tiết và thương lái khiến bà con phập phồng lo lắng. Cần đạt 5.700đ - 6.000đ/kg mới có lời nhưng thực tế chỉ từ 4.700đ-4.800đ/kg. Cây tiêu, cà phê được thu mua đều đặn riêng tháng 5 có giá trung bình 64.500đ - 68.500đ/kg, tăng 500đ/kg. Như vậy, giá phân bón tăng vô hình chung chỉ ảnh hưởng đến vài loại cây trồng ngắn ngày như lúa, hoa màu, cây ăn trái không tìm được đầu ra hoặc khâu thu mua, chế biến không kịp thời ảnh hưởng đến giá trị. Còn các loại cây công nghiệp giá trị cao như café, tiêu, điều lại liên tục tăng giá, bà con phấn khởi.
Tiếp đến, canh tác đầu vào còn phụ thuộc một số yếu tố khác như: thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công khác… Theo một nghiên cứu gần đây, cứ 1 ha đất canh tác sẽ “ngậm” đến 2kg thuốc BVTV mỗi năm, nhân lên chi phí rất lớn. Nhân công cho trọn kỳ canh tác từ đầu vụ đến thu hoạch cũng là một khoản cố định khó thay thế.
Đối với vấn đề đầu ra nông sản, không còn xa lạ gì với điệp khúc “được mùa mất giá”, giải cứu nông sản…. giờ đây khi dịch bệnh phải giãn cách, phải ưu tiên phòng chống dịch, không đi lại thu mua được khiến nông sản ách tắc, tồn đọng. Việc tổ chức mua bán nông sản tại các điểm giải cứu tự phát ở vỉa hè cũng xuất hiện nhiều bất cập như lượng người đến mua bán tại một thời điểm quá đông, không đảm bảo khoảng cách giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, có một số người lợi dụng các điểm giải cứu để đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ. Việc dùng từ giải cứu hay cách giải cứu như hiện nay cũng gây hiệu ứng ngược, làm giảm giá thành, giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con lại bị ép giá lại.
Không phải chỉ đến Hội nghị chỉ đạo của Liên bộ bàn giải pháp bình ổn mà thực tế trước đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động đẩy mạnh sản xuất, có phương án bình ổn giá phân bón hợp lý song song chính sách phân phối, đồng hành hỗ trợ bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng phiếu mua hàng… để chia sẻ gánh nặng với nhà nông. Mặt khác, luôn chủ động hướng dẫn bà con canh tác đúng cách, bón phân tiết kiệm cũng như hướng đến ứng dụng nhiều hơn các loại phân bón hữu cơ, vi sinh có lợi bền vững.
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản. Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, tại những nơi có sản phẩm nông nghiệp, người ta lại lao vào “giải cứu” nông sản, nhưng có lẽ người nông dân cần là một giải pháp căn cơ, bền vững cho thị trường này cũng là để nâng tầm nông sản Việt, khi đó, nông sản đủ sức cạnh tranh sẽ không bị phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào khác mà vẫn đảm bảo sản xuất có lời.