“Vương quốc” chè cổ thụ
Men theo những con đường uốn lượn quanh co bên những vách núi đá vôi dựng đứng và vực sâu hun hút, chúng tôi đến xã Cao Bồ, cách thành phố Hà Giang hơn 30 km. Do nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, nên Cao Bồ được giăng kín bởi sương mù đặc quánh và gió thổi từng cơn buốt giá. Nhưng cũng chính nơi đây, tạo hóa đã cho ra một loại “đặc sản” được ví như “món quà của trời đất”, đó là chè Shan tuyết cổ thụ.
Người Dao ở Cao Bồ hái chè |
Trong câu chuyện xoay quanh cây chè nơi miền cực Bắc Tổ quốc, Chủ tịch UBND xã Lý Quốc Hưng không giấu nổi niềm tự hào, mặc dù không phải là nơi duy nhất có những cây chè cổ thụ nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì ít nơi nào sánh được. Trung bình mỗi cây chè ở đây có tuổi đời khoảng 40 năm, tuy nhiên có những cây già 300 - 400 tuổi với độ cao khoảng 10 m, đã được trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam.
“Từ khi chúng tôi sinh ra cây chè đã hiện hữu và cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác mưu sinh cùng chè” - ông Hưng dõi mắt về hướng những đồi chè cổ thụ nói và cho biết, Cao Bồ có gần 1.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó cho thu hoạch 757 ha với sản lượng năm 2018, đạt hơn 1.800 tấn chè búp tươi, trị giá hơn 32 tỷ đồng. Cả xã có 11 thôn với 755 hộ, thì có tới 754 hộ trồng chè. Bởi vậy, người ta gọi Cao Bồ là “vương quốc” của chè.
Mỗi năm cây chè Cao Bồ cho thu hoạch 3 vụ vào các tháng 3, 6, ,9 âm lịch. Nhờ cây chè quý, người Dao ở đây (chiếm 94% dân số) có được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, đời sống ấm no. Bình quân mỗi gia đình, thu nhập từ trồng chè khoảng 42 - 43 triệu đồng/năm. Cũng có những nhà giàu lên vì trồng chè với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
“Hàng trăm năm qua, cây chè Shan tuyết cổ thụ đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng của vùng núi non hùng vĩ này. Chè trên đồi, chè trong vườn, chè mọc thành rừng, cây chè đi vào đời sống tâm hồn, gắn bó như máu thịt với đồng bào” - ông Hưng khẳng định.
Chè sạch tìm “bến đỗ” nơi trời Tây
“Hương thơm, vị đượm của chè Shan tuyết Cao Bồ đang vươn xa trên thị trường thế giới” - ông Hưng tự hào chia sẻ, từ năm 2014, Tổ chức ACT của Thái Lan - một tổ chức kiểm tra và chứng nhận các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế đã cấp chứng chỉ chè hữu cơ - Organic Cao Bồ. Nhờ đó, sản phẩm chè Cao Bồ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được bạn bè trong và ngoài nước ưa chuộng. Mỗi năm, 1/4 sản lượng chè ở đây thông qua Công ty CP Trà hữu cơ Cao Bồ đóng gói, chế biến để xuất khẩu sang Đức, sản lượng còn lại chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Để giữ vững thương hiệu, các xã, thôn, bản tại Cao Bồ đều xây dựng hương ước trồng chè sạch, không sử dụng thuốc diệt cỏ. Đồng thời, hàng năm đều tổ chức tập huấn về chăm sóc, kỹ thuật thu hái…
Cách UBND xã Cao Bồ khoảng 1km, chúng tôi tìm đến Công ty CP Trà hữu cơ Cao Bồ để tìm hiểu về quy trình chế biến chè xuất khẩu. Đã gắn bó với cây chè Cao Bồ gần 20 năm, anh Nguyễn Văn Toán - Phó giám đốc công ty - cho hay, năm 2018, công ty xuất khẩu sang Đức hơn 100 tấn chè với giá khoảng 7,5 USD/kg chè xanh, cho doanh thu hơn 17 tỷ đồng. Năm 2019, công ty dự định sẽ mở rộng sản xuất với mục tiêu xuất khẩu 250 tấn.
Một trong những công đoạn sơ chế chè |
Theo anh Toán, Đức là thị trường khó tính. Do đó, ngoài quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chí sạch, cấp mã số cho từng hộ trồng, áp dụng công nghệ hiện đại để sao khô, bảo quản…, công ty còn phải test mẫu trước khi xuất khẩu theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Đồng bào Dao ở Cao Bồ giải thích, chè ở đây ngon vì có sương mù, ngậm sương thành tuyết, nên mới gọi là chè tuyết… Chẳng biết điều ấy có đúng không, nhưng với chúng tôi, nhìn những thân chè to hơn cả một vòng tay ôm, được bao phủ bởi những lớp rêu mốc ngả màu theo thời gian; những phụ nữ Dao mang gùi sau lưng cheo leo trên những ngọn cây khi sương mai vẫn còn ngái ngủ để hái được những ngọn chè tinh khiết nhất… cũng đã đủ để thấy hết sự công phu và tình yêu với rừng chè cổ thụ. Tình yêu ấy đã truyền thêm hương vị đậm nồng cho chè Cao Bồ. Và tình yêu cũng như phép màu kỳ diệu bắt núi phải cúi đầu, bắt đất dồn nhựa sống nuôi cây, bắt chè phải thành búp, thành lá… Khi ánh nắng ban mai, xé màn mây mù chiếu lên những khuôn mặt rạng ngời của những cô gái Dao trên ngọn chè cổ thụ, chúng tôi chợt nhận ra bình minh không chỉ đang lên trên những đồi chè mà “bình minh” thật sự đang đến với người dân Cao Bồ.
Ông Lý Quốc Hưng - Chủ tịch UBND xã Cao Bồ: Cục Sở hữu trí tuệ mới ban hành Quyết định số 2835/ QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết “Hà Giang”. Đây là bước đi vững chắc trong việc xây dựng thương hiệu chè Hà Giang nói chung và Cao Bồ nói riêng. |