CPTPP sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Năm 2016, trao đổi thương mại giữa 11 nước tham gia CPTPP lên đến 356 tỷ USD. Đây hoàn toàn là một bản FTAnthế hệ mới với chất lượng rất cao về các nội dung và cam kết. Chẳng thế mà, sau khi nhất trí về nội dung tại Tuần lễ Cấp cao APECViệt Nam 2017, Bộ trưởng Kinh tế nhiều nước thành viên CPTPP vẫn đem theo nhiều nội dung cần thương lượng thêm sang Chile ngay trước giờ ký.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh ngay sau lễ ký cho biết, 11 nước thành viên CPTPP đã tập trung, nỗ lực cho mục đích rất rõ ràng và quyết tâm đạt được kết quả cuối cùng, đúng như kế hoạch và mong muốn. Không những vậy, CPTPP còn tạo ra hấp lực rất lớn khi chưa ráo mực đã có nhiều nền kinh tế "ngỏ lời" tham gia.
CPTPP được trông đợi là sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận ngay sau khi Hiệp định được ký. Theo WB, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
"Ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì Hiệp định CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%" - ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - cho biết.
Còn theo ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam, Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là CPTPP sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
TIN LIÊN QUAN | |
Hiệp định CPTPP: Truyền thông điệp về chống chủ nghĩa bảo hộ | |
Kỳ vọng CPTPP |