Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu Bình Dương tăng trưởng cao Vì sao Bình Dương xác lập được "kỳ tích phát triển" ? |
Xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Bình Dương
Thông tin tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 sáng 6/5, đại diện UBND Bình Dương - cho biết, trong tháng 4 kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt là công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư… đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Tầm Dương - Chánh Văn phòng UBND Bình Dương, thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại buổi họp báo |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,33% so với tháng trước và tăng 11,32% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,55%.
Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 đạt gần 22.700 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đạt hơn 88.630 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 4 tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2022 đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12 tỷ 460 triệu USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt 3,9 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương trong tháng 4/2022 đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021. Đơn cử như kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 736,2 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng trước và tăng 21,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 277,8 triệu USD, tăng 7,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ…
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2022 của Bình Dương đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021 |
Về thu hút đầu tư, 4 tháng đầu năm, Bình Dương đã thu hút 22.950 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, 2 tỷ 341 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2021 của Bình Dương đạt 69,61 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tiếp tục là địa phương đứng đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng và đứng đầu khu vực Đông Nam bộ.
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực kinh tế, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các DN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… căng thẳng xung đột Nga - Ukraine cũng đang tác động đến hoạt động xuất khẩu…
Nhìn chung, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Dương đang từng bước phục hồi, với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng của Bình Dương như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông. Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của Bình Dương như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm bằng gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may... có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới, nhiều doanh nghiệp (DN) tập trung tuyển dụng lao động với số lượng lớn, đưa ra nhiều giải pháp thu hút lao động để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết.
Bên cạnh đó, việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực cũng tạo lợi thế cho DN trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh trong việc tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Dương.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát phục hồi, triển kinh tế
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, UBND Bình Dương cho biết, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả với Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 -2023. Nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về: thu hút nguồn lao động, vốn đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị…
Đồng thời, quan tâm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, khẩn trương phối hợp thực hiện các bước lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dõi tiến độ, đôn đốc triển khai các thủ đầu tư dự án đầu tư Vành đai 3 (sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư), đường Mỹ Phước -Tân Vạn. Tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai các bước thực hiện dự án: Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây…
Song song đó, Bình Dương kịp thời triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, phí hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.