Xuất khẩu hàng hóa sẽ về đích trong năm nay Xuất nhập khẩu hàng hóa: Điểm sáng bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm |
Xuất khẩu chạm mốc gần 14 tỷ USD
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của Bình Dương trong 5 tháng năm 2024 tiếp tục đà hồi phục và tăng trưởng cao, nhất là lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 5 đầu năm 2024 tiếp tục có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 4,7% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương trong 5 tháng năm 2024. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng năm 2024 của Bình Dương đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 13,9% so cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 14,9%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 11,2 tỷ USD, tăng 13,6% so cùng kỳ.
Trong các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, sản phẩm gỗ đang hồi phục mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng năm 2024 đạt 2,56 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ - (Ảnh: Thanh Minh) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Với việc triển khai quyết liệt, kịp thời các nhóm giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND Bình Dương… đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ngành hàng lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2024.
Theo đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương trong 5 tháng năm 2024 trên đà hồi phục và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử ngành gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,56 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18,6% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ chiếm 82,7% tổng số, tăng 29,5% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu (EU) chiếm 4,4%, tăng 18,4%; Nhật Bản chiếm 3,3%, tăng 17,4%; Canada chiếm 2,4%, tăng 16,7%; Hàn Quốc chiếm 1,7%, tăng 17,6%.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu dệt may 5 tháng năm 2024 đạt 1,13 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,2% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 694,9 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Còn xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng đạt gần 641 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 4,7% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh…
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, khai thác thị trường mới
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2024 hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực và khả quan. Đặc biệt, kết quả này cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội của thị trường, điều này tạo niềm tin tăng trưởng tích cực trong cả năm.
Về phía doanh nghiệp, ông Điền Quang Hiệp - Tổng giám đốc Công ty Minh Phát 2 (tỉnh Bình Dương), cũng nhìn nhận hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ trong 5 tháng năm 2024 có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực, dự báo rất khả quan trong cả năm 2024. “Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ không những gia tăng mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu thị trường quốc tế” - ông Điền Quang Hiệp kỳ vọng.
Để tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Trong những tháng cuối năm, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan Tham tán thương mại tại nước ngoài duy trì thực hiện “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” hàng tháng bằng hình thức trực tuyến. Qua đó, cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng của tỉnh về tình hình cung cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu.
Cùng với đó phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường mới, thị trường còn tiềm năng… Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ…
Ngoài ra, triển khai hiệu quả, kịp thời các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan… Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu.