Sàn thương mại điện tử Bình Dương: Cánh cửa mới cho doanh nghiệp Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các địa phương kết nối cung cầu hàng hóa |
Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Bình Dương - cho biết, tính đến tháng 12/2021, các sở, ngành, địa phương đã triển khai hơn 1.900 thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, cấp tỉnh 1.529 TTHC, cấp huyện 258 TTHC, cấp xã 127 TTHC. Có 1.169 TTHC đủ điều kiện thực hiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và 551 TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm gần đây.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thực hiện nghi thức bấm nút công bố danh mục và triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 |
Đặc biệt, 100% dịch vụ công trực tuyến có biểu mẫu điện tử (e-Form) tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia xếp thứ 4 cả nước. Song song đó, dịch vụ chứng thực điện tử đã được triển khai tại cấp huyện, cấp xã và các phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp để người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bản sao thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm dần loại bỏ được tình trạng phải nộp bản sao chứng thực hoặc phải xuất trình bản chính để xác minh hồ sơ khi thực hiện TTHC.
Để chuẩn bị tốt các điều kiện kỹ thuật cho việc triển khai thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 áp dụng trên địa bàn tỉnh, Sở TTTT cũng đã phối hợp với các đơn vị phát triển phần mềm rà soát nâng cấp các chức năng phần mềm, tính năng ký số và thanh toán điện tử nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng.
Theo đó, các chức năng được nâng cấp, hoàn thiện gồm: Việc kết nối liên thông Phần mềm 1 cửa điện tử và Phần mềm Vilis cho 9 UBND cấp huyện, hạn chế hồ sơ trễ hạn của các đơn vị; các chức năng nâng cao của Cổng dịch vụ công được triển khai như: ký số điện tử trên e-Form đã nộp; chức năng trợ lý ảo – tự động hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (hiện có thể hướng dẫn 22 thủ tục hành chính phổ biến); kết nối liên thông giữa Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Lãnh đạo Bình Dương cùng các sở, ban, ngành trải nghiệm sản phẩm, tiện ích phục vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Trung tâm Hành chính công |
Bên cạnh đó, việc thanh toán trực tuyến đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công tỉnh qua 2 nền tảng thanh toán: VNPT Pay và nền tảng thanh toán Quốc gia PayGov tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có thể chủ động thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Tổ chức, cá nhân cũng có thể dùng ví điện tử MOMO, VNPT Pay, VNPay để thanh toán tại quầy, trong trường hợp tổ chức, cá nhân phải đến nộp hồ sơ trực tiếp.
“Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục cải thiện, hoàn chỉnh các chức năng, tiện ích Cổng dịch vụ công, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời qua quá trình đưa vào sử dụng thực tế các dịch vụ công mức độ 3, 4, sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân để cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ cũng như những nhu cầu của người dân sao cho sát với thực tế”- ông Lê Tuấn Anh khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND Bình Dương, ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của các sở ngành, địa phương chỉ trong thời gian 60 ngày đã hoàn thành việc triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh Bình Dương.
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND Bình Dương, phát biểu tại buổi lễ |
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND Bình Dương, các thành quả đạt được và qua quá trình triển khai trong thực tiễn, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, trang thiết bị, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn, thói quen sử dụng văn bản thủ công nên dù đã triển khai dịch vụ công trực tuyến với số lượng lớn nhưng số lượng hồ sơ phát sinh thấp, nhiều dịch vụ công trực tuyến không phát sinh hồ sơ nên chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công chưa cao.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND Bình Dương đề nghị các cấp, các ngành, cần quán triệt và nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến; việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp cơ quan, đơn vị giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện và khoa học hơn. Qua đó, người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả nguy cơ nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị trung gian thanh toán… cung cấp đa dạng các dịch vụ về ký số, thanh toán không dùng tiền mặt và các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến ngày càng tiện ích hơn, thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thay đổi cách tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ để thực hiện cung cấp dữ liệu cho các hệ thống của tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn trong việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện tốt việc đầu tư các trang thiết bị, tổ chức tư vấn, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trực tiếp tại các Bộ phận một cửa các cấp và trực tuyến thông qua Tổng đài 1022, trợ ký ảo (AI) và các kênh truyền thông trực quan, mạng xã hội…
Tại buổi lễ công bố, Bình Dương cũng đã ra mắt đội hình thanh niên tình nguyện và cán bộ, công chức tham gia Tổ hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến.