Trong số các dự án FDI của Bình Dương có gần 75% thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Khu vực doanh nghiệp (DN) FDI đã đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; đảm bảo cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo đúng định hướng với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương thông qua việc chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, tạo tiền đề cho tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, làm nền tảng cho việc triển khai các giải pháp cụ thể về phát triển công nghiệp gắn với xây dựng đô thị thông minh.
Trung tâm thành phố mới Bình Dương là nơi tập trung phát triển dự án đô thị thông minh |
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết, trong những năm qua Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút FDI, phát triển kinh tế; tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thu hút đầu tư.
Để hỗ trợ cho thu hút FDI đạt hiệu quả, Bình Dương đã xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 10 địa phương của nước ngoài như tỉnh Kratie (Campuchia), tỉnh Chămpasắc (Lào), tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), TP. Quảng Châu (Trung Quốc), TP. Daejeon (Hàn Quốc)..., thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các cấp, các ngành của tỉnh với các nhà đầu tư; tạo dựng hình ảnh một tỉnh Bình Dương thân thiện, năng động và hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, ngành chức năng và các DN của Bình Dương tổ chức nhiều chương trình hội thảo về xúc tiến đầu tư tại những thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu… góp phần kêu gọi, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Cũng theo ông Liêm, từ năm 2016 tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững qua việc ban hành Đề án “Thành phố thông minh Bình Dương”, bao gồm việc thực hiện mô hình ba nhà (Chính quyền - DN và các viện, trường) để huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia đầu tư.
“Là địa phương đi đầu thu hút FDI trong cả nước, Bình Dương đã chủ động rà soát cắt giảm nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mình song có nhiều chính sách thuộc thẩm quyền cấp cao hơn nên địa phương đã kiến nghị các bộ, ngành chức năng xử lý đồng bộ, có hướng dẫn cụ thể hơn”- ông Liêm chia sẻ.
Ông Kadowaki Keiichi - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh: Các chương trình tiếp xúc đối thoại của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong đó có tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ cho DN Nhật Bản yên tâm đầu tư lâu dài cũng như tiếp thị, thu hút thêm các nhà đầu tư mới về cho địa phương. |