Tiền Giang: Sắp có thêm 6 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động Bình Dương: Xuất khẩu 9 tháng đầu năm cán mốc gần 27 tỷ USD, thặng dư thương mại 8,4 tỷ USD |
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 ngày 22/10, trả lời phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết: Đến nay, Sở đã hoàn thiện xong các nội dung dự thảo Đề án và Bộ tiêu chí di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Bắc.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - thông tin về Đề án di dời doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, tại họp báo ngày 22/10/2024. Ảnh: Thanh Minh |
“Hiện, Sở đã báo cáo và trình UBND tỉnh. Khi nào UBND tỉnh ban hành quyết định, Sở Công Thương sẽ công bố thông tin cụ thể”, bà Nguyễn Thanh Hà nói.
Thông tin thêm về kế hoạch và tiêu chí chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc tỉnh, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhìn nhận, đây là vấn đề khó, liên quan đến nhiều ngành, nhiều luật như đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, môi trường, lao động...
Chính vì vậy, trước khi hoàn thiện dự thảo kế hoạch và Bộ tiêu chí, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo và họp bàn, góp ý kiến… Sau đó, Sở tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhất là các doanh nghiệp bị tác động, ảnh hưởng. Đồng thời, tham gia rất nhiều hội thảo của các đoàn thể như Liên đoàn Lao động tỉnh để trả lời cho các doanh nghiệp, hiệp hội nằm trong địa bàn phía Nam ở ngoài khu, cụm công nghiệp phải di dời.
Mới đây, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đã chủ trì cuộc họp xem xét, góp ý dự thảo Kế hoạch "Triển khai thực hiện việc khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phía Bắc tỉnh Bình Dương”. Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương - đã đề xuất về tiêu chí đánh giá xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thuộc 1 trong 4 tiêu chí sau buộc phải di dời: Vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị; không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được; không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục; địa điểm hoạt động không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo “Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo khảo sát, số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất lớn, chiếm khoảng 71% tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp. Do lịch sử phát triển, những doanh nghiệp này nằm rải rác xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp thiếu các nguồn lực cần thiết để xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng..., gây khó khăn trong việc phát triển đô thị của Bình Dương. |