Phát triển Logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững Diễn đàn Horasis Trung Quốc 2024: Thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư và phát triển bền vững |
Chiều 15/4, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 đã diễn ra phiên chuyên đề đặc biệt “Bình Dương - Thương mại điện tử thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Đại biểu tham dự phiên chuyên đề đặc biệt về Bình Dương: “Bình Dương - Thương mại điện tử thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu” (Ảnh: Quốc Chiến) |
Hiện Bình Dương là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đáng chú ý, trong nhiều năm liên tục, Bình Dương đứng ở vị trí thứ 3 trên cả nước về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - nhấn mạnh: Bình Dương tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.
Ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (Ảnh: Quốc Chiến) |
Theo ông Nguyễn Văn Dành, hiện nay, hệ thống trung tâm logistics, phương tiện vận chuyển của Bình Dương liên tục được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ. Theo đó, hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ.
Tại hội thảo đề các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đề cập đến lợi thế để phát triển ngành logistics Bình Dương như về hạ tầng, là tỉnh công nghiệp phát triển, đồng thời cũng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.266 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 40,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, để thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, phát huy lợi thế của Việt Nam chung và Bình Dương nói riêng trong chuỗi giá trị toàn cầu, các chuyên gia đưa ra những khuyến nghị về phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số trong logistics; cũng như nâng cao vai trò của hiệp hội logistics Bình Dương, thu hút nhà đầu tư phát triển logistics xanh, đa dạng các dịch vụ logistics…
Theo chính quyền tỉnh Bình Dương, để tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế chung của tỉnh cũng như gia tăng lợi thế trong thu hút đầu tư trong giai đoạn mới: Bình Dương xác định phát triển nhanh hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics là yêu cầu cấp bách cho sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai...
Trong đó, tập trung xây dựng trung tâm logistics xuyên biên giới (thành phố Mới Bình Dương) kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, xác định ga Sóng Thần là trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vận quốc tế của cả miền Nam (vận chuyển đường sắt), kết nối với các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông thương với các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.