Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện tại Tiền Giang Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện tại tỉnh Bình Phước |
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích đất hơn 13.600 ha. Đặc biệt, đây là địa phương phát triển về công nghiệp với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức cao, nên áp lực trong việc đảm bảo điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Bình Dương quyết tâm đẩy nhanh tiến độ công trình điện, đảm bảo điện sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa). |
Dự báo trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu tăng cao trở lại do các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển sau dịch. Đồng thời, Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, ngành điện xác định việc đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời gian qua, ngành điện tập trung đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công trình điện. Tuy nhiên, hiện rất nhiều dự án truyền tải điện 110 - 220kV trên địa bàn đều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Sở Công Thương thường xuyên chủ trì phối hợp cùng chủ đầu tư các dự án công trình điện (Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam, Ban Quản lý dự án Truyền tải điện - Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Công ty Điện lực Bình Dương) và địa phương (nơi có công trình điện đi qua) họp bàn tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chủ yếu là khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhằm sớm đưa các công trình điện vào vận hành đúng tiến độ đề ra.
Theo báo cáo của các chủ đầu tư, hiện nay đang gặp vướng mắc, khó khăn về công tác khảo sát giá đất (áp dụng Nghị định 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ) quy định xác định giá đất theo phương pháp so sánh, vì vậy phải thực hiện lại công tác khảo sát giá đất từ đầu, công tác khảo sát theo phương pháp mới còn nhiều lúng túng.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, do áp dụng Nghị định 12/2024 nên việc khảo sát gặp nhiều khó khăn. Đơn cử 2 công trình đã thực hiện hơn 1 năm nhưng đến nay chưa được phê duyệt giá đất: Trạm 110kV Thạnh Phước và đường dây đấu nối (UBND TP. Tân Uyên đã tổ chức họp nhiều lần nhưng chưa tháo gỡ được); hay dự án nâng cấp đường dây 110kV Thuận An - Vsip 2 (UBND TP. Thuận An đã tổ chức họp thông qua ngày 4/5/2024 nhưng đến nay vẫn đang tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh, xem xét phê duyệt).
Ngoài ra, công tác bàn giao mặt bằng do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý cũng làm ảnh hưởng đến dự án công trình Trạm 110kV VSIP2 MR2 và đường dây đấu nối. Theo bà Nguyễn Thanh Hà, mặc dù chủ đầu tư đã hoàn tất chi trả tiền bồi thường ngày 14/5/2024, nhưng phải mất một thời gian dài, do công ty cao su địa phương trình Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chấp thuận chủ trương thanh lý cây cao su và tổ chức lựa chọn nhà thầu thanh lý cây cao su thì công ty cao su mới bàn giao mặt bằng cho ngành điện thi công.
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư xây dựng công trình điện, Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 28/5/2024 về việc kiện toàn Tổ công tác hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn các công trình điện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
“Trong thời gian tới, Sở Công Thương cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các Sở Ban ngành tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), UBND các huyện, thành phố liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”, Phó Giám đốc Sở Công Thương mong muốn.