Đây là nhận định chung của các đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Bình Dương và các tỉnh, thành phố phía Nam trong Hội thảo khoa học “Du lịch Bình Dương - Nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững”, do UBND tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức, ngày 27/12, tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm thành phố mới tỉnh Bình Dương.
Ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, tìm ra hướng đi mới giúp du lịch Bình Dương phát triển, để ngành du lịch có thể trở thành một bộ phận quan trọng và có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh luôn là vấn đề được lãnh đạo Bình Dương quan tâm.
Định hướng phát triển đến năm 2020, tỉnh Bình Dương xác định xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2020 và giai đoạn sau đó, ngành du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững, cân đối của nền kinh tế Bình Dương.
“Trong những năm qua, mặc dù đóng góp cho nền kinh tế còn thấp, tuy nhiên du lịch của Bình Dương ngày càng được khẳng định có rất nhiều tiềm năng phát triển để có thể trở thành một bộ phận quan trọng và có vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Núi Cậu – hồ Dầu Tiếng Bình Dương là một danh thắng kết hợp giữa sông, nước và núi, được nhiều du khách chọn là điểm đến tham quan, vui chơi, giải trí và viếng chùa |
Tại hội thảo, các đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Bình Dương và các tỉnh, thành phố phía Nam đã thảo luận và trình bày các tham luận tập trung nhận định, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Bình Dương; tổ chức, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế…
Theo đó, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch có bài tham luận về giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch Bình Dương với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông, Tây Nam bộ. Trong khi đó, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) có bài tham luận bàn về chiến lược phát triển du lịch Bình Dương nhìn từ đặc điểm văn hóa Việt Nam và kinh nghiệm thế giới. Hay như TS. Huỳnh Thế Du (Giám đốc Đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Đại học Fulbright) có bài tham luận đánh giá sơ bộ về cụm ngành du lịch tỉnh Bình Dương.
Tính tương tác giữa du khách với công việc sáng tạo sản phẩm và nghệ nhân, người dân làng nghề là gần như không có (làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp - Bình Dương) |
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế cũng như những hạn chế thực tế, từ đó các đại biểu đưa ra các đề xuất, định hướng, giải pháp như: tăng cường các tuyến, tour du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, tận dụng lợi thế từ các làng nghề truyền thống, các địa chỉ đỏ, khu du lịch văn hóa - lịch sử, thiên nhiên… Qua đó phát huy những lợi thế, tiềm năng thế mạnh hiện có của du lịch Bình Dương, đưa du lịch Bình Dương phát triển lên tầm cao hơn, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Để du lịch Bình Dương phát triển, thật sự trở thành ngành công nghiệp không khói mang tính mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Bình Dương phải đẩy mạnh xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và quốc tế, nhằm phát huy giá trị các tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa sẵn có.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Bình Dương phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, cũng như chú trọng xây dựng, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu “Du lịch Bình Dương”, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nọn, góp phần thay đổi diện mạo của Bình Dương trong tương lai.