Bình Dương: Xuân về ấm áp dưới những “Mái ấm Công đoàn” Bình Dương: Cánh đồng hoa Tân Ba sẵn sàng phục vụ thị trường Tết |
Là vùng đất cù lao bốn bề sông nước quanh năm mát lành, thổ nhưỡng phì nhiêu màu mỡ, xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) không chỉ có “gạo trắng, nước trong”, mà còn là xứ sở của vùng đất trồng bưởi. Hương bưởi Bạch Đằng ngày nay đã tỏa ngát trên khắp thị trường trong nước, trở thành món quà quý giá của du khách và nỗi nhớ da diết của người Bình Dương.
Nhìn từ trung tâm thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cù lao Bạch Đằng được sông Đồng Nai ôm ấp bốn bề, khí hậu quanh năm mát lành, thuận lợi cho việc phát triển miệt vườn cây trái |
“Sản vật” của vùng đất cù lao
Từ ngàn đời xưa, cù lao Bạch Đằng được mệnh danh là nơi “gạo trắng, nước trong”, cũng là vùng đất nuôi dưỡng cho cây bưởi đơm hoa, kết trái, mang lại hương vị thơm ngát ngọt lành. Đến nay, bưởi Bạch Đằng là loại trái cây đặc sản nức tiếng, đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.
Về thăm vùng đất cù lao Bạch Đằng những ngày giáp Tết, tôi thấy trên những sạp bán trái cây trong khu vực chợ truyền thống hay dọc những con đường ven sông được bày bán những trái bưởi da xanh lòng đào chín mọng. Bên cạnh đó là những trái bưởi được mang đến từ cù lao Bạch Đằng đẹp về mẫu mã, hấp dẫn bởi lớp vỏ vàng xanh bắt mắt. Hương bưởi Bạch Đằng được những cơn gió xuân từ dòng sông Đồng Nai thổi tới, làm cho nó thoang thoảng ngát bay trên từng khu phố nhỏ, khiến người qua đường phải dừng chân mua bưởi về làm quà. Mùi hương đặc trưng ấy khiến những người con xa quê háo hức trở về nhà khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã cận kề.
Theo cảm nhận của người tiêu dùng, trái bưởi được trồng trên vùng đất cù lao Bạch Đằng cho múi căng tròn mọng nước, tép bưởi mềm và có vị ngọt thanh mát. Nếu ăn thử dù chỉ một lần sẽ nhớ mãi, vì bưởi Bạch Đằng có hương vị rất đặc biệt so với các loại bưởi trồng ở vùng đất khác.
Những nông dân có thâm niên trồng bưởi chia sẻ kinh nghiệm, để cây bưởi kéo dài tuổi thọ và cho sai quả, mọng nước, có hương vị ngọt mát phải trồng trên đất có nhiều phù sa do sông Đồng Nai bồi đắp. Bên cạnh đó phải có nguồn nước ngọt để tưới tiêu quanh năm cho cây bưởi và vùng đất đó không bị nhiễm phèn. Vì thế, tại cù lao Bạch Đằng chỉ có đất ở ấp Tân Trạch và ấp Điều Hòa là trồng bưởi cho năng suất cao và đạt chất lượng tốt.
Anh Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc HTX bưởi Bạch Đằng cho biết, vườn bưởi của anh có diện tích 9,5 ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 100 tấn, ước tính doanh thu khoảng 3,6 tỷ đồng/năm |
Anh Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc HTX bưởi Bạch Đằng cho biết: “Theo thuận mùa, bưởi truyền thống mỗi năm chỉ có một mùa chính vụ vào dịp rằm Trung thu. Tuy nhiên, được cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật mới, chúng tôi đã biết cách tạo cho cây bưởi ra hoa kết trái nghịch mùa. Ngày nay, nhờ áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, bưởi Bạch Đằng cho trái quanh năm. Tuy vậy, chúng tôi chỉ “điều khiển” cho bưởi ra trái nở rộ vào hai mùa vụ chính là dịp rằm Trung thu và dịp Tết Nguyên đán hàng năm để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Để có vụ bưởi chín rộ đồng đều vào đúng dịp Tết cổ truyền, đầu tháng 6 Âm lịch, nông dân ở vùng đất cù lao Bạch Đằng lại tranh thủ tưới nước, bón phân để thúc cây bưởi nở hoa mới kịp mùa vụ. Theo phong tục truyền thống, những ngày Tết người dân Bạch Đằng thường hay biếu tặng người thân, bạn bè gần xa những trái bưởi chín mọng làm quà để dâng lên ban thờ tổ tiên, cầu mong gia đình được hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng trong năm mới.
Làng quê giàu lên nhờ trồng buởi
Từ thuở sơ khai khi mới dựng làng lập ấp, chính quyền và nhân dân cù lao Bạch Đằng vẫn luôn luôn định hướng phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, cây lúa nước vẫn là cây chủ lực của địa phương.
Tuy nhiên, khi nhận thấy vùng đất này rất phù hợp với cây bưởi, chính quyền và người dân địa phương đã thí điểm trồng thử. Trong những năm 1990, đi đôi với sự phát triển sản xuất cây lúa nước, người dân xã Bạch Đằng đã mạnh dạn mở rộng và khai phá vùng đất hoang hóa để trồng bưởi.
Nhờ phát triển kinh tế từ cây bưởi, nhiều nông dân vùng đất cù lao Bạch Đằng đã trở thành tỷ phú |
Từ 6 nghìn cây bưởi lúc ban đầu, đến nay cù lao Bạch Đằng đã mở rộng và phát triển lên đến hàng trăm nghìn cây bưởi trên tổng diện tích gần 400 ha. Nghe các bậc cao niên ở đây kể lại, ngày xưa người dân cù lao Bạch Đằng trồng rất nhiều giống bưởi như: Bưởi thanh trà, bưởi ổi, bưởi chua… Nhưng ngày nay, người nông dân đầu tư trồng giống bưởi da xanh, bưởi đường lá cam là phổ biến nhất vì cho năng suất và chất lượng cao, đang được thị trường ưa chuộng.
Phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp hay hộ gia đình từ trồng bưởi đã và đang là hướng đi đúng đắn, góp phần nâng cao thu nhập, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Từ một vùng đất cù lao nghèo khó, đến nay địa phương đã thay da đổi thịt với những con đường nhựa phẳng phiu, sạch bóng bao quanh thôn làng. Những ngôi nhà cao tầng, với nhiều kiểu kiến trúc hiện đại thi nhau mọc lên như ở phố thị. Người dân cũng đua nhau mua sắm nhiều đồ dùng tiện nghi đắt tiền cho gia đình.
Ông Dương Văn Minh, một người trồng bưởi ở ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi ở địa phương. Vườn bưởi nhà ông đã giải quyết công ăn việc làm cho con cháu và nhiều người dân trong xóm làng. Ông Minh phấn khởi tâm sự: “Vườn bưởi nhà tôi chỉ có hơn 2 nghìn mét vuông, nhưng mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Bưởi thu hoạch vào mùa vụ rằm Trung thu và Tết cổ truyền sẽ có giá cao hơn so với ngày thường. Đến ngày mùa, thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao”.
Vào mùa bưởi chín, tận dụng những trái bưởi nhỏ xấu xí không bán được, bà con trồng bưởi ở cù lao Bạch Đằng còn chế biến bưởi thành những món ăn, thức uống đặc trưng riêng, đó là: Rượu bưởi, chè bưởi, mứt bưởi… Đặc biệt, món gỏi bưởi không thể thiếu hạt đậu phộng rang giòn thơm phức và những con tôm càng xanh cất lên từ lòng sông Đồng Nai. Ai đã từng được thưởng thức món ăn từ hương vị bưởi Bạch Đằng đều nhớ mãi không quên.
Bưởi đất cù lao Bạch Đằng đang vào mùa chín rộ, phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 |
Để hương bưởi mãi bay xa…
Từ khi có cây cầu Bạch Đằng vắt ngang sông Đồng Nai, nối cù lao Bạch Đằng với trung tâm thành phố Tân Uyên đến nay, bưởi Bạch Đằng lại càng được mở rộng thêm thị trường tiêu thụ. Thời điểm mùa vụ, thương lái khắp nơi chủ động tìm về thu mua bưởi, người dân cù lao không còn vất vả dùng ghe, thuyền chở bưởi sang sông để bán lẻ như trước kia nữa.
Đồng hành cùng người nông dân từ khâu cải tạo đất, xuống giống đến giai đoạn bưởi vào mùa thu hoạch và tiêu thụ trên thị trường, cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương luôn hướng dẫn các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong việc canh tác, trồng và chăm sóc cây bưởi theo đúng quy trình VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: “Khó khăn cơ bản nhất ở địa phương hiện nay là diện tích trồng bưởi đang manh mún, người nông dân còn chưa quen ứng dụng số hóa trong sản xuất. Nhằm thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, địa phương đang tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp”.
Để hương bưởi Bạch Đằng mãi bay xa, chính quyền địa phương đang tập trung quy hoạch chuyên canh vùng trồng bưởi theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với ứng dụng chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển, cải tạo vườn bưởi và du lịch sinh thái, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đó cũng là hướng đi đúng đắn trong quá trình xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm bưởi, để đặc sản của cù lao Bạch Đằng vững bước trên thị trường và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết thêm, trong năm 2023 vừa qua, bình quân thu nhập đầu người trên toàn xã ước tính hơn 88 triệu đồng/năm, vượt mức chỉ tiêu so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đề ra. Trong đó có nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ trồng bưởi. Ngoài việc tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, địa phương còn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp. |