Nâng “sao”, nâng giá trị cho sản phẩm OCOP Cần xây dựng pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm OCOP Cần nhiều chính sách giúp sản phẩm OCOP khai thác tốt thị trường |
Thành công với Chương trình OCOP
Bình Định là một trong những địa phương đang được đánh giá là thành công trong việc thực hiện Chương trình OCOP. Toàn tỉnh Bình Định hiện có 217 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Nhiều sản phẩm OCOP đã đạt chứng nhận 3 sao đang được các chủ thể tiếp tục đăng ký lên 4 sao bằng cách thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao chất lượng, tạo mẫu mã đẹp, bắt mắt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhận thấy nhiều lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP, từ đầu năm đến nay, nhiều cơ sở sản xuất ở Bình Định đã đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sao OCOP cấp địa phương như TP. Quy Nhơn, huyện Hoài Ân, thị xã An Nhơn.
Cùng với việc hỗ trợ xây dựng sản phẩm hợp chuẩn, nâng hạng OCOP, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định còn phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các siêu thị, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, phối hợp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Bình Định đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP tập trung các nhóm sản phẩm như: Nước mắm, hải sản khô; rau, củ, quả; mật ong; yến sào; các sản phẩm chế biến sẵn như nem, chả, chả ram tôm đất, bánh ít, bánh cốm, rượu Bàu Đá… Cùng với đó, khuyến khích cơ sở ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, ứng dụng công nghệ nhận diện sản phẩm thông minh, giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát), sản phẩm OCOP của Bình Định |
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, hầu hết các sản phẩm ở Bình Định đều có chỗ đứng vững chãi trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao như: Cá ngừ đại dương của Công ty TNHH Hải Nguyên và Công ty TNHH Tân Xuân Lộc ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn); gà giống của Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư ở xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) đã được tiêu thụ ở nước ngoài.
Các sản phẩm đạt 4 sao, 3 sao đều là sản phẩm đặc trưng của Bình Định, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, nguồn nguyên liệu của địa phương, sản xuất an toàn. Ví như dầu dừa tinh khiết của hợp tác xã nông nghiệp Ngọc An, nước mắm Như Hoa, yến sào Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn); nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường (huyện Phù Cát).
Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bài bản, chuyên nghiệp
UBND tỉnh Bình Định cho biết đã xây dựng Kế hoạch 116/KH-UBND về phát triển sản phẩm OCOP của địa phương giai đoạn 2023-2025 thuộc Chương trình OCOP.
Theo đó, Bình Định phấn đấu đến giai đoạn 2023-2025, công nhận khoảng 250 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; đồng thời chuẩn hóa hoàn thiện và phát triển 217 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận giai đoạn 2018-2022; trong đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2025, Bình Định sẽ có 250 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên |
Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, tổ hợp tác và ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.
Đến năm 2025, dự kiến Bình Định sẽ hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP đặc trưng, lợi thế của các địa phương; xây dựng được ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,…); phấn đấu có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ hình thành mới hoặc cấu trúc lại bộ máy tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế; trọng tâm là hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bài bản, chuyên nghiệp về quy trình sản xuất, phân phối, tiếp thị; tạo các mô hình điểm về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP góp phần lan tỏa Chương trình OCOP trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng gắn với bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa của người dân; xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.
Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành và triển khai phương án sản xuất kinh doanh để phát triển sản phẩm OCOP theo liên kết chuỗi; xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương; chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường... UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan để triển khai hiệu quả nhất.