Minh bạch, hài hòa
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận về các phương án xây dựng biểu giá điện bán lẻ (5 bậc thang và 1 giá) được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến gần đây.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Thẩm định giá (Bộ Tài chính) hoan nghênh thái độ tiếp thu, cầu thị của Bộ Công Thương trong việc rút phương án điện một giá, đồng thời tính toán lại các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Góp ý về việc cải tiến biểu giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: Hiện Bộ Công Thương có thể cân nhắc mức 5 bậc đang nhận được sự đồng tình nhiều của dư luận. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần công khai giá và đảm bảo giá bình quân của từng biểu giá và tổng biểu giá, giá bình quân so với giá điện sinh hoạt như thế nào để người dân có sự so sánh.
"Khi đã được thông qua, chấp nhận giá điện bậc thang, thì người dân phải chấp nhận việc “nhảy tiền” khi dùng nhiều. Nếu làm biểu giá điện hợp lý thì khi “nhảy bậc”, người dân sẽ không bị sốc”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam phát biểu tại tọa đàm |
Đồng quan điểm, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật môi trường Bộ Công Thương, với phương án giá điện sinh hoạt theo lũy tiến 5 bậc được Bộ Công Thương đưa ra, về nguyên tắc phải đảm bảo việc người nghèo được hỗ trợ, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước. Đặc biệt, tổng doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân.
Do đó, ông Lâm cho rằng, khi tính biểu giá bán lẻ điện phục vụ mục đích sinh hoạt, nên lấy giá bán điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh làm mốc tính bởi giá này đã gồm các chi phí, lãi cho ngành điện tái đầu tư. Việc áp dụng giá 5 bậc, có cải tiến hơn lũy tiến 6 bậc, xong chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng đồng tình với việc chia các bậc thang và có mức giá khác nhau để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện, tuy nhiên, ông Thịnh cho biết, với mức quy định như trong biểu giá điện hiện nay chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định. Còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân, thậm chí bậc thang thứ 4, thứ 5 rất cao. Chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần giải thích rõ cho người dân tại sao lại đưa ra phương án này.
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ (Hội Kinh tế Việt Nam) cũng cho hay, nếu chuyển sang biểu giá bán lẻ điện 5 bậc thang, ông đề nghị nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho doanh nghiệp điện và người tiêu dùng đảm bảo minh bạch, hài hòa. Trước khi công bố, cần có sự góp ý của các cơ quan, nhà khoa học, có thẩm định của cơ quan có trách nhiệm quản lý giá.
Tiếp tục cải tiến biểu giá điện bậc thang
Ngoài ra, cho rằng phương án tính giá điện theo lũy tiến bậc thang 5 bậc vẫn chưa khả thi, hoặc cần phải nghiên cứu cải tiến kỹ lượng, nhiều chuyên gia đã đề xuất nghiên cứu tính 3 bậc. Ông Lâm đề xuất phương án lũy tiến theo 3 bậc là: Bậc thấp hơn giá điện bình quân (từ 0 - 100 kWh); bậc bằng giá điện bình quân (từ 100 - 400 kWh) và bậc cao hơn giá điện bình quân (từ 401 kWh trở lên).
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho hay: "Cần rút 6 bậc thang hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc, tốt nhất là 3 bậc; ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng dùng điện. Đồng thời, giải thích rõ ràng về phương pháp sắp xếp bậc, cơ sở và các căn cứ sắp xếp khoảng các giữa các bậc".
Theo các chuyên gia, phương án lũy tiến 3 bậc có thể ưu tiên đảm bảo tính toán đủ chi phí trong sản xuất kinh doanh của ngành điện đảm bảo có lãi, đảm bảo kinh phí tài chính hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời minh bạch, rõ ràng, dễ tính toán…
PGS.TS Nguyễn Minh Duệ phát biểu tại toạ đàm |
Bàn thêm về cách tính điện 1 giá, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ chia sẻ thêm, không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra thêm phương án điện 1 giá để người tiêu dùng lựa chọn. Điện một giá có “lý lẽ” riêng của nó khi được kỳ vọng là phương án đảm bảo công bằng nhất cho mọi đối tượng người sử dụng. Chưa kể, điện một giá có ưu điểm dễ quản lý, dễ tính toán hơn nhiều so với dùng điện bậc thang. Tuy nhiên, cần bàn là mức một giá nào là hợp lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa góp ý: "Chúng ta chỉ có thể thực hiện được phương án điện một giá, khi có đủ nguồn cung điện và khi nhà nước có các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ chính sách thông qua cơ chế khác, không phải qua giá điện. Việc thực hiện điện một giá sẽ phải thay đổi các nguyên tắc trong Luật Điện lực".
Nói về giải pháp cho giá bán điện hợp lý ở Việt Nam, ông Duệ nêu quan điểm, trước tiên phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường có điều tiết của Nhà nước; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng điện và tiến tới giảm bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng.
"Lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo đã đi được nửa chặng đường nhưng kết quả chưa rõ ràng, nếu không có giải pháp đột phá thực hiện thị trường điện cạnh tranh thì áp lực tăng giá điện vẫn đè nặng lên doanh nghiệp, người dân" - ông Duệ nêu quan điểm.
Trước đó, chiều 18/8, tại cuộc họp của Bộ Công Thương về dự thảo sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được đưa ra lấy ý kiến, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, người dân đồng thời khẳng định trên cơ sở các ý kiến này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá ảnh hưởng, xem xét đầy đủ toàn diện các tác động của biểu giá điện bán lẻ để bổ sung, hoàn thiện dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. |