Theo đó, đến hết ngày 26/3/2020, Bộ Công Thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị. Theo đó, đều thống nhất cần thiết phải áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt và cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phù hợp với thực tiễn sử dụng điện, để người tiêu dùng dễ quản lý việc chi - trả hóa đơn tiền điện và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả.
Trong đó, có 109 ý kiến thống nhất với phương án 5 bậc (kịch bản 1) theo đề xuất của Bộ Công Thương tại Công văn số 1184/BCT-ĐTĐL ngày 24/2/2020. Trên 80% các bộ, ngành, đơn vị phản hồi lại thống nhất với phương án 5 bậc, kịch bản 1 mà Bộ Công Thương đề xuất.
Với phương án và kịch bản này, giá điện bậc 1 (cho 0 - 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 mới từ 101 - 200 kWh; bậc 3 mới từ 201 - 400 kWh; bậc 4 mới từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch Covid-19, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và II/2020 đối với các mặt hàng do nhà nước định giá. Bộ Công Thương đã có công văn số 21/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất lùi thời gian sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt.
“Bộ Công Thương nhận thấy, nếu áp dụng theo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt do Bộ Công Thương đề xuất thì có khoảng 463 nghìn hộ dùng từ 701 kWh/tháng trở lên phải trả thêm tiền điện. Điều này có thể dẫn đến có ý kiến chưa đồng thuận trong dư luận xã hội về việc thực hiện chỉ đạo chưa tăng giá điện trong quý I và II/2020 tại Chỉ thị số 11/CT-TTg”, báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Bộ Công Thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014. |