Vì sao điện 1 giá chưa phù hợp?
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ đã xây dựng Dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với 2 phương án để khách hàng lựa chọn. Phương án 1: Biểu giá điện bậc thang 5 bậc đã được rút bớt 1 bậc và có sự điều chỉnh khoảng cách giữa các bậc thang so với hiện hạnh. Phương án 2: Biểu giá điện 1 giá. Khách hàng có thể lựa chọn áp dụng 1 trong 2 phương án giá, thời gian lựa chọn áp dụng trong 1 năm.
Việc xây dựng, sửa đổi biểu giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo đúng các trình tự pháp lý, trên cơ sở nghiên cứu đề xuất nhằm phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng như nhiều chuyên gia năng lượng, cơ cấu biểu giá điện phải đáp ứng được những nguyên tắc cơ bản là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo an sinh xã hội (hỗ trợ cho người nghèo và phù hợp với số đông người dân); nguồn lực cho ngành điện sản xuất, tái đầu tư hệ thống điện…
Àiïn 1 giá có ưu điểm dễ áp dụng, dễ tính toán, minh bạch, người sử dụng điện không phải lo lắng giám sát việc ngành điện đo đếm, ghi chỉ số công tơ, hay sự khó khăn trong tính toán giá điện giữa các bậc thang; tuy nhiên lại có mức khá cao, chỉ phù hợp với khoảng 2% khách hàng sử dụng. Ngoài ra, điện 1 giá cũng không đáp ứng được các mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo chủ trương của nhà nước. Các chuyên gia cũng cho rằng, dù áp dụng biểu giá bậc thang hay 1 giá điện cũng không có biểu giá nào làm hài lòng 100% đối tượng khách hàng.
Biểu giá bán lẻ điện đảm bảo hài hòa lợi ích số đông |
Tạo sự đồng thuận trong xã hội
Từ những ý kiến của chuyên gia, người dân cho thấy, phương án điện 1 giá chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nó chỉ phù hợp khi hệ thống năng lượng Việt Nam phát triển ổn định, bền vững và có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Do đó, Việt Nam vẫn cần duy trì cơ cấu biểu giá điện bậc thang như Bộ Công Thương đã đề xuất nhưng cần nghiên cứu tính toán lại cho hợp lý.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực cần tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, chuyên gia và các bộ, ngành; thực hiện nguyên tắc giá bán lẻ điện bình quân không thay đổi và các nguyên tắc khác để hoàn thiện dự thảo theo hướng đơn giản, dễ hiểu, thuyết phục và có hiệu quả nhất để đảm bảo lợi ích chung của tất cả các đối tượng: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Sau khi hoàn thiện Dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (theo hướng bậc thang), cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi bằng nhiều hình thức thuận tiện trước khi báo cáo Bộ, trình Chính phủ xem xét quyết định.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc công khai thông tin và truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với biểu giá bán lẻ điện. Có thể khẳng định, quan điểm của Bộ Công Thương là, dù đưa ra phương án nào cũng phải tính toán, xem xét kỹ tác động đến kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên tắc và mục tiêu của nhà nước khuyến khích tiết kiệm, tiếp tục hỗ trợ các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu điện cho đất nước; mong muốn của đa số hộ gia đình sử dụng điện; đảm bảo quyền lợi, chi phí sản xuất, vận hành của ngành điện.
Với tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, đánh giá ảnh hưởng, xem xét đầy đủ và toàn diện các tác động để bổ sung, hoàn thiện dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. |