Công nhân truyền tải PTC3 thực hiện vệ sinh sứ cách điện hotline |
Từ sáng kiến tiền tỷ
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối năm 2015, hệ thống đường dây 500kV đã đạt 6.789km, đường dây 220kV là 12.759km; tổng chiều dài đường dây 110kV đạt 17.479km; tổng số trạm biến áp (TBA) 110/220/500kV là 692 trạm. Như vậy, sẽ có hàng chục nghìn cột điện với khối lượng sứ khổng lồ tại các đường dây, TBA truyền tải. Đó là chưa kể đến hàng trăm nghìn km đường dây và TBA trung áp các loại.
Do tác động của yếu tố thời tiết, ô nhiễm, nhiễm mặn nên hệ thống sứ điện thường bị nhiễm bẩn gây TTĐN, phóng điện, có thể gây sự cố, ảnh hưởng đến độ tin cậy cấp điện. Trước đây, mỗi lần vệ sinh sứ cách điện trên đường dây hoặc trạm biến áp, ngành Điện phải tính toán các phương án cắt điện ở một số khu vực. Những công đoạn này được làm hoàn toàn bằng phương thức thủ công, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác dịch vụ khách hàng và không an toàn cho người lao động.
Ông Huỳnh Xắng - cán bộ của PTC3 - cho biết, để vệ sinh một vị trí sứ đường dây 220 - 500kV theo cách truyền thống, trung bình phải mất khoảng 3 giờ, bao gồm thời gian leo lên và leo xuống cột, di chuyển xuống vị trí sứ, vệ sinh sứ. Một ngày, một nhóm 3 công nhân chỉ thực hiện được 3 trụ cột điện cấp điện áp 220kV. Đối với lưới 500kV còn lâu hơn và độ nguy hiểm cũng tăng hơn. Do phải cắt điện nên các đơn vị cũng phải huy động một lực lượng lớn công nhân để vệ sinh sứ, ảnh hưởng đến công việc khác của đơn vị.
Trước tình trạng đó, nhóm cán bộ của PTC3 đã thực hiện đề tài Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao rất thành công với một hệ thống đơn giản gồm bể nước lọc ion cách điện, máy bơm áp lực cao, vòi xịt... Đề tài này đã mang lại hiệu quả tiền tỷ cho ngành Điện.
Hiệu quả thiết thực
Theo ông Xắng, với công nghệ mới thì vệ sinh một vị trí sứ giảm tới 2/3 thời gian. Ở các TBA, thời gian còn giảm rất nhiều lần vì không phải leo trèo. Quan trọng hơn là không phải cắt điện như trước đây mà vẫn bảo đảm an toàn cho người lao động, thiết bị và cả hệ thống.
Theo các chuyên gia, sứ càng bẩn thì TTĐN càng cao. Mặt khác, nếu cắt điện nhiều lần để vệ sinh sứ cũng gây TTĐN. Trong khi lưới điện chưa có dự phòng, việc cắt điện gây thiệt hại không nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, việc cắt điện đường dây truyền tải luôn gây bất lợi cho vận hành hệ thống, đặc biệt là đường dây 500kV, nếu tách lưới sẽ tăng nguy cơ mất ổn định và thiếu nguồn cho phụ tải…
Áp dụng công nghệ vệ sinh sứ cách điện hotline tại các công ty điện lực đã mang lại hiệu quả vô cùng lớn cho đơn vị. Đơn cử như ở Điện lực Vĩnh Hải, Cam Lâm, Diên Khánh và Xí nghiệp Lưới điện cao thế thuộc Công ty Điện lực Khánh Hòa, khi vệ sinh sứ ở 376 vị trí cột, 17 TBA phân phối, 2 trạm 110kV, thời gian chỉ hết hết 4 - 6 ngày làm việc, giảm hơn 5 ngày so với cách thực hiện thủ công trước đây. Công tác chuẩn bị nước, trang thiết bị càng tốt, thời gian càng giảm.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Phú Yên, 6 tháng đầu năm 2016, đội vệ sinh cách điện hotline của đơn vị đã thực hiện vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao tại 249 vị trí với 1.802 cách điện các loại, qua đó làm lợi hơn 39.000kWh so với phương pháp thủ công như trước đây.
Với nỗ lực giảm TTĐN của ngành Điện thì công nghệ vệ sinh cách điện hotline đang được áp dụng không chỉ hữu ích cho các đơn vị truyền tải cao thế mà còn đang được nhân rộng cho hệ thống lưới trung áp ở các đơn vị điện lực. |