Biến những chiếc lá bồ đề thành "bất tử"
Đã hẹn gặp từ trước, nhưng đến nhà vẫn không thấy Dũng đâu. Gọi điện thoại không thấy Dũng nghe, chắc nhiều việc quên lịch hẹn chứ cậu này trọng chữ tín lắm. Chờ một lúc thì Dũng đi xe máy về, phía sau đèo 2 bao tải to tướng. Thấy tôi, Dũng cười xin lỗi: "Anh thông cảm, em vừa đi thu nhặt lá bồ đề về. Đang mùa lá bồ đề rụng, tranh thủ thu gom, không nhìn thấy bỏ đi tiếc lắm". Xếp gọn hai bao bồ đề vào hiên nhà, Dũng lại nhanh chóng bày biện dụng cụ và nguyên vật liệu lá bồ đề đã được “chế biến” sẵn rồi cần mẫn, tỉ mẩn hoàn thiện những chiếc đèn hoa đăng sáng mai giao cho khách. Rồi vừa làm, Dũng vừa kể cho tôi nghe về chặng đường vất vả nhưng đầy đam mê để tìm ra bí quyết, tạo ra những sản phẩm từ lá bồ đề. Câu chuyện Dũng kể với nhiều tình tiết hấp dẫn đưa tôi vào với thế giới lá bồ đề.
Một buổi trưa hè, đang ngồi nghỉ dưới tán lá cây bồ đề quê nhà, gió mát cảnh vật yên bình đưa Dũng vào giấc ngủ. Đang mơ màng, Dũng thấy có gì đó vừa đáp nhẹ xuống đầu mình, bừng tỉnh giấc một chiếc lá bồ đề nằm ngay trước mắt. Nắng trưa hè soi rọi giúp Dũng nhìn thấu khung xương bồ đề chi chít đan xen nhau rất bắt mắt. Sẵn tình yêu với dòng hoa lá tâm linh, Dũng bật luôn ý tưởng, biến những lá bồ đề thành “bất tử”, đem bình an đến cho mọi người.
Kiều Cao Dũng đã biến những lá bồ đề thành “bất tử” |
Dũng tỉ mẩn hoàn thiện những chiếc đèn hoa đăng |
Cách đây vài năm, khi đang làm việc ở một khách sạn kết hợp với kinh doanh du lịch, Dũng đã có gần 20 năm kinh nghiệm với mức thu nhập cao, nhưng chàng trai 8X đã bỏ rẽ sang hướng đi mới, đó là nghệ thuật làm hoa lá “bất tử” được nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu - người được coi là ông Tổ của nghề hoa khô Việt Nam. Ban đầu Dũng theo dòng hoa sen, loài hoa được coi là quốc hoa của Việt Nam và anh đã có những tác phẩm để đời bằng hoa lá sen khô như: Bức tranh Đông Hồ trên lá sen. lá sen kết hợp trên nón lá, nón quai thao, hay ghép tranh bằng cánh hoa sen… Là người ưa nghiên cứu chế tác, không dừng lại ở đó khi nhận thấy lá bồ đề, một loài cây mang ý nghĩa thiêng liêng gắn liền với Phật giáo, ngoài đời cũng rất quen thuộc ở nông thôn Việt Nam với công dụng tạo bóng mát, Dũng đã nảy ra một ý tưởng làm nón từ lá cây bồ đề.
Làm nón lá bồ đề là ý tưởng “không tưởng” của Dũng |
Mặc dù đã có kinh nghiệm làm nón bằng lá sen, song với lá bồ đề lại không hề đơn giản. Dũng áp dụng công nghệ ướp để giúp lá bồ đề không bị héo úa, từ màu xanh chuyển sang màu vàng tươi mà vẫn giữ nguyên màu lá. Tuy nhiên nếu giữ nguyên phần thịt lá thì không thể kết thành nón. Sau một thời gian nghiên cứu anh đã ứng dụng phương pháp dùng nước vôi trong để tách thịt lá. Thế nhưng thời gian để tách thịt lá quá lâu, phải mất 60 ngày mới tách được thịt lá ra khỏi xương. Dũng tính, một năm bồ đề rụng lá 3 lần, mỗi lần mất hai tháng tách thịt ra sẽ mất nhiều công sức và giá thành sẽ rất cao. Chưa kể, cách làm này tạo xương lá mềm, lại có mùi khó chịu nên Dũng quyết định bỏ qua, tiếp tục nghiên cứu để giảm thời gian, tăng độ dẻo dai cho xương lá bồ đề.
Phải rất nhiều tháng Dũng mới có được xương lá bồ đề ưng ý |
Là học trò cưng, theo học nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Bá Mưu về cách làm hoa lá khô, Dũng đã vận dụng hết những kiến thức cũng như kinh nghiệm thầy đã truyền, kèm theo kiến thức cơ bản về hóa hóa sinh để đưa vào xử lý lá bồ đề với công thức: Photpho và canxi là thành phần cơ bản của xương lá, tạo cho nó một phản ứng thích hợp để tăng sự cứng cáp. Thử đi thử lại suốt hai tháng trời, kết quả 60 ngày đã rút gọn thời gian tách thịt xuống 30 ngày, sau đó giảm xuống còn 6 ngày, cuối cùng Dũng chỉ mất đúng một ngày. Sau nhiều ngày vất vả, nhiều đêm thức trắng Dũng đã thành công với thành quả xương lá rất dẻo, đặc biệt cuống và râu lá không bị đứt. Dũng có thể tự tin mà nói rằng, mình gắn bó với lá bồ đề ngày qua ngày, giờ qua giờ, nhiều đến nỗi cầm vào bất kỳ chiếc lá nào thì biết ngay nó bao nhiêu tuổi, dùng bao nhiêu lực là vừa để tách thịt mà không làm rách xương.
Chằm lá bồ đề làm nón là công việc rất khó |
Nón lá bồ đề được làm từ 500 xương lá với 9 tầng |
Thế nhưng, dùng lá bồ đề để chằm nón là công việc cực kỳ khó khăn mà chưa ai nghĩ tới do xương lá rất mỏng manh, đưa vào kết nón cho thẩm mỹ và hiệu quả lại càng khó thực hiện. Hết mấy tháng giãn cách dày công nghiên cứu, Dũng lang thang khắp làng Chuông, cái nôi của nón Việt, rồi đến thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có nghề làm nón truyền thống gặp được bà Doãn Thị Thái đã có bốn đời làm nón để thực hiện ý tưởng của mình. Những thử nghiệm đầu tiên đều không thành công. Thất bại, rồi lại thất bại, cái thứ nhất, cái thứ hai, thứ ba… chục cái nón đã phải phải “đội nón” ra đi cùng hàng nghìn chiếc xương lá với biết bao công sức mà Dũng đã phải bỏ ra. Dũng không nản, nhiều ngày Dũng ở “lì” ở nhà bà Thái để thực hiện bằng được ý tưởng của mình. Là người chằm nón lâu năm, nhưng bà Thái chưa bao giờ dùng loại xương lá khô như thế này, nhiều lúc bà cũng muốn bỏ. Bà Thái chia sẻ, trước đây chúng tôi quen làm nón bằng lá cọ. Giờ thử chằm lá bồ đề làm nón rất khó nên hỏng suốt, thử kiểu này sang kiểu khác vẫn xấu, không thể vừa ý nên cũng có lúc nản lắm. Nhưng thương, nể tâm huyết của Dũng, tôi vẫn tiếp tục với hy vọng cải tiến được sản phẩm hoàn hảo hơn.
Niềm vui khi chiếc nón xương lá bồ đề thành công |
Trời đã không phụ lòng người, sau nhiều lần thay đổi phương án làm nón, nhiều tháng trời trôi qua, cuối cùng chiếc nón xương lá bồ đề đã thành công trong sự vỡ òa của Dũng và bà Thái. Chiếc nón xương lá bồ đề của Dũng được kết khoảng 500 lá với 9 tầng, mỗi tầng tương ứng với một kích cỡ khác nhau, nối trùng trùng điệp điệp tạo hình như một bông hoa sen đang nở rộ. Số 9 cũng là con số tâm linh trong Cửu phẩm liên hoa của kiến trúc chùa tháp Việt Nam, đem lại sự bác ái, bình yên và may mắn. Hiện “Nón lá bồ để Cao Dũng” đã được đăng ký thương hiệu, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần này là thời gian sản phẩm của anh chính thức ra mắt trên các sàn giao dịch điện tử, một cách thức bán hàng rất quan trọng thời Covid-19. Việc đẩy mạnh bán hàng online cũng là cách để sản phẩm mang giá trị Việt Nam vươn ra thế giới, đồng thời đưa bạn bè thế giới đến với văn hóa nước ta.
"Đi chùa đội nón lá đề/ Để tâm thanh thản mang về bình an" |
Với đôi bàn tay tài hoa, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, bên cạnh chiếc nón lá bồ đề, Dũng còn tiếp tục tạo ra những sản phẩm khác từ xương lá bồ đề như quạt với phần thân được tết tỉ mẩn từ hàng nghìn chiếc xương lá; Đèn hoa đăng được kết bởi đáy là mo cau, thân là xương lá bồ đề... Hiện, một đơn vị bán hàng trực tuyến chuyên về đồ thủ công handmade ở Nhật Bản đã liên hệ trực tiếp với Dũng để có thể đưa các sản phẩm của anh sang thị trường nước bạn. Ngoài việc chuẩn bị sẵn một đội ngũ đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch trực tuyến, Dũng cũng đã nhận được nhiều lời mời hợp tác bán nón, quạt, đèn hoa đăng từ xương lá bồ đề tại chùa Hương và chùa Bái Ðính...
Sản phẩm lá bồ đề của Dũng với thông điệp bình an |
“Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàn”, với triết lý phật giáo nhân sinh vòng luân hồi này, Dũng đã thổi hồn và hồi sinh cho những chiếc lá bồ đề mang đến cho chúng ta những tác phẩm độc đáo nhưng cũng hết sức mộc mạc và gần gũi. Có thể thấy, khi lá bồ đề còn sống trên cây tỏa bóng mát cho đời, che chở cho người. Còn khi lá bồ đề rụng xuống, dùng lá bồ đề để kết nón cũng là chuyển nó sang một hình thái khác, sang một trang mới nhưng vẫn tiếp tục sứ mệnh đáng trân trọng. Mỗi sản phẩm của Kiều Cao Dũng đều chất chứa tinh thần di sản, một thông điệp lan tỏa tình yêu thiên nhiên và sự bình an đến cho mọi người.