Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (HOSE: APH) vừa công bố thông tin về việc miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Lê Thăng Long, có hiệu lực từ ngày 25/9 theo nguyện vọng cá nhân của lãnh đạo này.
Ông Nguyễn Lê Thăng Long, sinh năm 1984, là một Tiến sĩ Khoa học Vật liệu với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành. Trước khi gia nhập An Phát Holdings, ông từng làm chuyên viên phát triển sản xuất tại Mobidiag France.
Sau 3 năm gắn bó, ông Nguyễn Lê Thăng Long xin nghỉ ở APH với lý do cá nhân (Ảnh: APH) |
Năm 2021, ông được bầu làm Phó Tổng giám đốc APH, đồng thời cũng là Thành viên HĐQT và Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA). Từ tháng 6/2022, ông Long đảm nhận thêm vị trí Chủ tịch HĐQT của AAA.
Trong suốt thời gian công tác tại An Phát Holdings, ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của tập đoàn, giúp công ty đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong ngành công nghiệp nhựa và bao bì.
Được biết, trước đó cựu Chủ tịch HĐQT An Phát Holdings Phạm Ánh Dương cũng đã gửi đơn từ nhiệm với lý do cá nhân. Ông Dương cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ gần 12 triệu cổ phiếu APH mà ông đang sở hữu, tương đương 4,87% vốn cổ phần của công ty.
Như vậy, sự kiện ông Long rời ghế diễn ra chỉ ít lâu sau khi ông Phạm Ánh Dương làm điều tương tự, khiến nhiều cổ đông và đối tác không khỏi cảm thấy lo lắng về hướng đi tương lai của công ty. Tuy nhiên, An Phát Holdings khẳng định đang tiến hành rà soát và tái cấu trúc bộ máy quản lý để đảm bảo sự ổn định và tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Hiện tại, An Phát Holdings vẫn chưa công bố thông tin chi tiết về người kế nhiệm vị trí Chủ tịch cũng như Phó Tổng giám đốc, nhưng những diễn biến này đang thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư và giới phân tích. Nhiều người đang đặt câu hỏi về chiến lược phát triển sắp tới của An Phát Holdings trong bối cảnh thay đổi lãnh đạo này.
Trong thời gian tới, An Phát Holdings dự kiến tổ chức Đại hội bất thường năm 2024 vào tháng 10. Tại đại hội này, công ty sẽ trình cổ đông thông qua các nội dung quan trọng, bao gồm việc thay đổi ngành nghề kinh doanh và sửa đổi, bổ sung điều lệ. Chi tiết sẽ được công ty công bố trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APH đã chốt phiên ngày 25/9 đạt 6.470 đồng/cp, duy trì quanh mức đáy gần 2 năm kể từ tháng 11/2022, với vốn hóa thị trường còn khoảng gần 1.600 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.640 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại tăng tới 438%, đạt 242 tỷ đồng.
Năm nay, An Phát Holdings đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 314 tỷ đồng, tăng 43% so với mức thực hiện năm 2023. Hết nửa chặng đường, họ đã hoàn thành 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm.