Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum kiến nghị gỡ khó để ‘Kon Tum làm đủ ăn, thu đủ chi’
Tin hoạt động 07/08/2024 16:21
Chiều ngày 7/8, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum.
Về phía tỉnh Kon Tum có đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực; lãnh đạo các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Kon Tum chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Lê Sơn) |
Tại buổi làm việc tỉnh Kon Tum đã đề nghị Bộ Công Thương bổ sung công suất cho các dự án nguồn mới trong giai đoạn 2026 – 2030, đối với Dự án điện gió trên bờ, để phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm nguồn cho các dự án điện gió mới khoảng 3.000 MW. Đối với 3.000MW bổ sung, Ủy ban ban nhân dân tỉnh Kon Tum đề xuất Khu vực các huyện: Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà và Tu Mơ Rông. Xem xét đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII khoảng 1.530MW, các dự án sẽ được đấu nối, giải tỏa công suất đồng bộ với dự án Trạm biến áp 500kV - 1.800MVA Kon Rẫy.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, Dương Văn Trang (đứng) phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lê Sơn) |
Tại Khu vực các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei, (Kon Tum), xem xét cho phép đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII khoảng 300MW, đấu nối đồng bộ với việc đầu tư xây dựng lưới điện 220kV Kon Tum - Bờ Y và Trạm biến áp 220 Bờ Y. Khu vực xã Hiếu và xã Pờ Ê, huyện Kon Plông: Xem xét cho phép đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII khoảng 270MW, đấu nối đồng bộ với việc đầu tư nâng cấp đường dây 220kV Kon Tum - Kon Plông - Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, Khu vực huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Hà, TP. Kon Tum: Xem xét cho phép đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII khoảng 900MW, đấu nối đồng bộ với việc đầu tư nâng cấp đường dây 220kV Kon Tum – Pleiku (Gia Lai).
Đối với điện sinh khối: Chỉ tiêu phân bổ điện sinh khối công suất lũy kế đến năm 2030 là 05 MW trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, còn thấp so với quy mô công suất tiềm năng. Trên địa bàn tỉnh đã có Nhà đầu tư triển khai thủ tục khảo sát, nghiên cứu phát triển điện sinh khối từ cây Cao Lương với quy mô công suất 50 MW (gồm 02 giai đoạn); Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận bổ sung công suất lũy kế đến năm 2030 là 100MW làm cơ sở để Nhà đầu tư nghiên cứu triển khai.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Lê Sơn) |
Về Thủy điện, việc mở rộng các dự án thủy điện trên dòng sông Sê San: Đến năm 2024 dự án thủy điện Ialy mở rộng, công suất 360MW sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, do đó việc mở rộng các dự án thủy điện Sê San 3 (130MW), Sê San 4 (120MW), Sê San 3A (54MW) với tổng công suất là 304MW là rất cần thiết, nhằm đồng bộ với với quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San; không để lãng phí nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách tại địa phương.
Đối với các dự án thủy điện, tổng công suất thủy điện nhỏ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII là 716 MW(16). Ngoài ra, hiện nay có một số dự án tiềm năng thủy điện, thủy điện từ các hồ thủy lợi, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh của chu kỳ lần tới (theo định kỳ 05 năm) các dự án thủy điện Sê San 3 (130MW), Sê San 4 (120MW), Sê San 3A (54MW) với tổng công suất là 304MW, tiềm năng phát triển thủy điện với tổng công suất 475,3MW(17) và tiềm năng thủy điện từ hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh với tổng công suất 7,2MW.
Các dự án tiềm năng thủy điện, thủy điện hiện hữu mở rộng, thủy điện trên các hồ thủy lợi phù hợp với tổng công suất tiềm năng trong Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Với các kiến nghị, đề xuất của các sở ngành tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các Vụ, Cục trực thuộc quan tâm tháo gỡ, hiến kế tháo gỡ cho tỉnh.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, hiện nay tỉnh Kon Tum đang sản xuất điện với tổng công suất khoảng 1.600 MW, trong khi đó, tỉnh chỉ sử dụng 100MW, còn lại 1.500MW xuất khẩu sang các tỉnh bạn.
Về vấn đề tỉnh đề nghị mở rộng các dự án thuỷ điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã đánh giá rất kỹ, hiện tại chưa thể mở rộng, nếu muốn mở rộng thì phải kết hợp với điện gió, điện năng lượng mặt trời.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, Dương Văn Trang cho biết, năm 2023, Bộ Chính trị có 6 nghị quyết, trong đó có Vùng Tây Nguyên, nhưng lại là chậm phát triển nhất trong 6 Vùng kinh tế (Nghị quyết số 23), thua cả Vùng Tây Bắc, thua cả Vùng miền Tây Nam Bộ. Trong khi Vùng Tây Nguyên là vùng rất tiềm năng, nhưng lại nghèo với chính tiềm năng của mình. Kon Tum đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, xem xét giúp Vùng Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có đó.
Tiềm năng, về nông nghiệp, cây công nghiệp thì không nói, nhưng về tiềm năng về năng lượng thì rất lớn, tiềm năng năng lượng để tỉnh thoát nghèo, chứ không phải để dân thoát nghèo. Cụ thể, theo đánh giá về tiềm năng ngành điện của tỉnh Kon Tum là 28.000MW, nhưng chưa thể phát huy tiềm năng này.
“Hay nói cách khác, tỉnh Kon Tum làm không đủ ăn, thu không đủ chi, trong khi đó có tiềm năng, điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo…là cực kỳ lớn. Tỉnh Kon Tum mong muốn Bộ Công Thương giúp đỡ để Kon Tum làm đủ ăn, thu đủ chi, không để Trung ương nuôi mãi thế này…” - Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum chia sẻ.