Nam Định “hút” các nhà đầu tư lớn Nam Định thực hiện nghiêm các chỉ đạo về quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng |
Ngày 25/5, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Sự kiện cũng ghi nhận thêm một xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu của Nam Định.
Để về đích nông thôn mới kiểu mẫu, từ năm 2018 đến nay, tổng nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu của Liên Minh là gần 70 tỷ đồng, trong đó gần một nửa là ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Nguồn kinh phí này được chính quyền xã đầu tư nâng cấp đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, xây thêm phòng học, cải tạo khuôn viên cho trường mầm non, trường tiểu học, đầu tư nâng cấp khu xử lý rác thải tập trung và hệ thống truyền thanh xã.
Xã Liên Minh, huyện Vụ Bản đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Ảnh: Hải Vân |
Đến nay, 97% số hộ trong xã đạt gia đình văn hóa, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,3%. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch rõ nét, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15%/năm, trong đó tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại chiếm trên 80%. Hầu hết lao động địa phương đều có việc làm, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 0,8%.
Liên Minh là một trong số xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu của Nam Định năm 2023. Với phương châm “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu không có điểm dừng”, sau thành tích ấn tượng 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Nam Định tiếp tục dồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tiêu chí đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu của Nam Định khá “gắt”. Theo đó, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 phải đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất 1 trong các lĩnh vực nổi trội, gồm: Sản xuất, giáo dục, y tế, văn hoá, chuyển đổi số…
Chuyển đổi số là một trong những tiêu chí nổi trội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Nam Định. Ảnh: Huệ Anh |
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 191 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều huyện trong tỉnh đang hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Chỉ tính trong 2 năm (2021-2022), toàn tỉnh đã huy động khoảng 20.168 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 1,2%; ngân sách địa phương chiếm 6%; còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và huy động cộng đồng) để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát huy lợi thế là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng; có cả trăm làng nghề truyền thống, tỉnh Nam Định đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2023, tỉnh Nam Định đã có 431 sản phẩm OCOP, trong đó có 376 sản phẩm OCOP 3 sao, 55 sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm.
Tỉnh cũng ban hành cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Như năm 2022, tỉnh thực hiện hỗ trợ 65 tập thể, hộ cá nhân có 91 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, tổng số tiền hỗ trợ 2,5 tỷ đồng, vừa động viên, khuyến khích vừa hỗ trợ các chủ thể sản xuất hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài thế mạnh có nhiều sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, những năm qua, tỉnh Nam Định tập trung phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP thuộc ngành du lịch nông thôn (du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch), hiện tỉnh có 3 sản phẩm thuộc ngành này tham gia chương trình OCOP.
Bên cạnh việc tận dụng và khai thác được thế mạnh của địa phương, theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, bí quyết giúp Nam Định là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới là sự quyết tâm, huy động sức dân và đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân trong thực hiện các hoạt động. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Nam Định tiếp tục triển khai và đạt những mục tiêu lớn hơn trong xây dựng nông thôn mới.