Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phát động phong trào “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Với hơn 45 triệu giờ công an toàn được ghi nhận là sự nỗ lực, cố gắng đảm bảo không ngừng nghỉ của toàn bộ Ban lãnh đạo và CBCNV Công ty.
45 triệu giờ công an toàn
Theo ông Cao Tuấn Sĩ - Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đúng 22h30 ngày 11/4/2024, trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang thực hiện bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần 5, BSR đạt mốc 45 triệu giờ công an toàn, không có tai nạn lao động mất ngày công. “Dấu mốc này khẳng định công tác ATVSLĐ ở BSR đã và đang được triển khai sâu rộng, có hiệu quả”, ông Sĩ khẳng định.
Ông Cao Tuấn Sĩ cho biết thêm, thời gian qua, BSR đã đạt nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh. Điển hình, NMLD Dung Quất đã đạt hơn 1.180 ngày vận hành liên tục. Đây là một kỳ tích. “Thành công này không chỉ là sự đóng góp, nỗ lực của người lao động BSR mà còn có công lao đóng góp của nhân sự nhà thầu thường xuyên làm việc tại BSR”, lãnh đạo NMLD Dung Quất nói và cho biết, những đóng góp của nhân sự nhà thầu là âm thầm, lặng lẽ làm nên thành công chung của BSR.
Đợt BĐTT lần 5 NMLD Dung Quất có hơn 4.000 người tham gia, do đó, công tác đảm bảo an toàn lao động luôn là mục tiêu được BSR đặt lên hàng đầu |
Theo đại diện BSR, với đặc thù vận chuyển, chế biến và tồn chứa các sản phẩm xăng dầu, các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa với số lượng máy móc thiết bị trên công trường là rất lớn. Số lượng nhân sự trong các kỳ bảo dưỡng khoảng 5.000-6.000 người/ngày nên NMLD Dung Quất luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ, tai nạn lao động. Nhận thức rõ điều đó, BSR đã không ngừng cải tiến các chương trình quản lý an toàn - sức khỏe - môi trường (ATSKMT) và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát các mối nguy trong suốt thời gian qua.
Cụ thể, BSR đã đẩy mạnh chương trình văn hóa an toàn với nhiều hoạt động cụ thể và lan tỏa đến các nhà thầu; tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý ATSKMT; tổ chức đào tạo, huấn luyện về an toàn cho CBCNV BSR và nhà thầu làm việc tại Nhà máy. Bên cạnh đó, Công ty có nhiều chương trình hành động để nâng cao ý thức trách nhiệm giám sát, thực thi công việc trên công trường; thành lập các đoàn kiểm tra hàng tuần, hàng tháng công tác đảm bảo ATSKMT. Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông về ATVSLĐ như trao đổi thông tin và định kỳ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác ATSKMT với các nhà thầu, ghi nhận biểu dương nhà thầu thực hiện tốt công tác an toàn tại BSR cũng luôn được chú trọng.
Nhân sự Ban An toàn Môi trường kiểm tra thiết bị máy móc trên xe cứu hỏa tại NMLD Dung Quất |
Ông Nguyễn Quang Hưng - Trưởng Ban An toàn Môi trườngBSR cho biết: “Ngay từ khi đưa NMLD Dung Quất vào vận hành, BSR đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý an toàn và được đánh giá chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn OHSAS 18001:2007 và ISO 14001:2005. Hệ thống quản lý an toàn BSR cũng đã được đánh giá tái chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn ISO 45001:2018, ISO 14001:2015, với 196 quy trình, hướng dẫn chuyên môn về an toàn, sức khỏe, môi trường, phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, hệ thống quản lý ATSKMT của BSR còn được đánh giá bởi các đơn vị thứ ba để tìm cơ hội cải tiến liên tục”.
Bí quyết để luôn an toàn
Đại diện BSR cho biết, kỳ BDTT lần 5 NMLD Dung Quất đã thực hiện thành công với hơn 2,7 triệu giờ công an toàn. Riêng trong kỳ BDTT này, số lượng nhân sự tham gia với hơn 4.800 nhân sự các nhà thầu cùng khoảng 1.200 nhân sự BSR. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được BSR chú trọng, quán triệt mạnh mẽ. Tất cả các nhân sự thực hiện công việc tại công trường NMLD Dung Quất phải tham gia lớp học an toàn, tham gia các buổi tuyên truyền an ninh, an toàn để đảm bảo an ninh, an toàn tại NMLD Dung Quất.
Ông Nguyễn Quang Hưng cho biết thêm, ở NMLD Dung Quất có rất nhiều vị trí làm việc có không gian kín, thiếu không khí và ánh sáng. Do đó, việc đảm bảo an toàn luôn được BSR quán triệt và giám sát chặt chẽ. Các nhân sự làm việc trong không gian khói bụi bắt buộc phải trang bị đồ bảo hộ chống bụi, chống độc... Ngoài ra, Nhà máy có gần 10 vị trí có độ cao từ 70-110m, do đó, công nhân bảo dưỡng phải đáp ứng các yêu cầu quy định. “Tại khu vực này, nhân sự phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp và có chứng chỉ làm việc trên cao mới được cấp phép làm việc”, ông Hưng chia sẻ.
Đối với công việc trong không gian hạn chế, kín và thiếu không khí phải có nhân sự phụ trách ánh sáng và thổi không khí vào bên trong để đảm bảo an toàn. Những người lao động này cũng chỉ làm việc khoảng 30-40 phút/lần, sau đó phải ra ngoài nghỉ ngơi trước khi tiếp tục làm việc.
Công tác tuyên truyền và thưởng an toàn kịp thời cho nhân sự nhà thầu luôn được BSR chú trọng trong đợt BDTT lần 5 |
Trước mỗi ca làm việc tại kỳ BDTT, đại diện Ban An toàn Môi trườngBSR sẽ chia sẻ với người lao động các tiêu chuẩn, quy định về an toàn lao động như công tác lắp dựng giàn giáo, sử dụng thang lồng khi làm việc, sử dụng túi nâng vật tư, kiểm tra thiết bị dụng cụ trước khi làm việc... Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn lao động đối với các nhà thầu đã giúp người lao động nắm rõ được thông tin, quy trình đảm bảo an toàn cho chính bản thân.
Bên cạnh đó, những khẩu hiệu, hình ảnh tuyên truyền về an toàn lao động trong thời gian BDTT lần 5 cũng được gia tăng, nhắc nhở người lao động, triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố trong quá trình lao động. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc, bảo vệ tài sản, tính mạng người lao động.
Năm 2024, BSR đặt ra mục tiêu ATSKMT là không tai nạn lao động mất ngày công và phấn đấu đạt 47,5 triệu giờ công an toàn không có tai nạn lao động mất ngày công; không sự cố môi trường, không sự cố an ninh; không sự cố an toàn công nghệ mức 1, 2 và không sự cố cháy nổ.