Vụ án địa ốc Alibaba: Nguyễn Thái Luyện phủ nhận cáo trạng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Ngày mai (8/12), bắt đầu xét xử vụ án địa ốc Alibaba lừa đảo, rửa tiền |
Ngày 10/12, TAND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thẩm vấn 23 bị cáo vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba)
Tại phiên tòa, khi Viện kiểm sát hỏi về 20 thỏi kim loại màu vàng rất lớn mà lực lượng chức năng thu giữ được nhưng kết luận giám định thì không phải là vàng, Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) nói “có nhiều nội dung rất phi lý và đây cũng là một trong những nội dung đó. Sau bao nhiêu thứ tôi làm thì tôi bỏ thỏi kim loại không phải là vàng vào trong két để làm gì, nhưng mà ngày hôm nay nói nó không phải vàng thật, tôi không có ý kiến gì”, bị cáo Nguyễn Thái Luyện nói.
Theo trình bày của Nguyễn Thái Luyện tại tòa, khi niêm phong các thỏi kim loại màu vàng này thì không có gì bất thường nhưng có lần thùng niêm phong bị rách và bị cáo đã phản ứng. Đồng thời, bị cáo cũng khẳng định trong các lần làm việc mình đều ghi ở bên dưới là “tôi không đồng ý”.
Theo Viện kiểm sát buổi làm việc có 3 luật sư của bị cáo và kiểm sát viên trực tiếp chứng kiến. Tất cả đều được ghi nhận khi ghi lời khai hoặc lập biên bản và bị cáo đã đọc rất kỹ.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện |
Tại phiên xét xử, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Thái Luyện tiếp tục khẳng định bản thân không lừa đảo. Theo bị cáo Nguyễn Thái Luyện khai việc tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng/năm là nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh hợp tác tại dự án Tây Bắc Củ Chi và số tiền này là có thật.
Theo Luyện, đây là lần tăng vốn thứ 3 để đáp ứng nhu cầu dự án Tây Bắc Củ Chi từ một đối tác. Số tiền để tăng vốn này là từ phía bên đối tác là người hứa góp tiền, góp vốn vào.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án này, phía đối tác gặp lý do về báo chí, nên dẫn đến phía ban quản lý dự án Tây Bắc Củ Chi không giao cho bên Công ty Alibaba và đối tác đề nghị đưa lại giao dịch này. "Lúc này, tôi định giảm vốn 1.600 tỷ đồng về lại 100 tỷ dựa vào vốn thực chất của mình có từ những nguồn góp vốn", Luyện nói và cho biết tại thời điểm tăng vốn, bị cáo có thực 1.600 tỷ đồng.
Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo cho rằng vì báo chí lùm xùm, nên dự án trên không được thực hiện. Viện kiểm sát thắc mắc nếu dự án thật, minh bạch thì báo chí đăng tải càng có nhiều khách hàng, bộ phận truyền thông của bị cáo đỡ mệt mỏi chứ tại sao lại không thực hiện được.
Luyện cho rằng lời nói của Viện kiểm sát mâu thuẫn với thực tế việc kinh doanh. Theo bị cáo Luyện, khi lập dự án chỉ cần những thông tin trái chiều thì ngay lập tức cơ quan chức năng vào cuộc, ngay cả nguồn vay hợp pháp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp... sẽ bị ngưng lại toàn bộ.
Về tính pháp lý của các dự án, cựu chủ tịch Alibaba cho rằng bản thân sở hữu đất nông nghiệp có quy hoạch đất ở để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. "Khi chia sẻ với khách hàng, rao bán đất cho khách hàng, tôi cũng nói rõ hiện tại đất được quy hoạch đất ở chưa chuyển mục đích", Luyện nói và cho rằng hợp đồng đã ký là cơ sở pháp lý để 2 bên cùng thỏa thuận, hợp đồng được lập, khách hàng cũng đồng ý như vậy, nên không có sự gian đối nào ở đây.
Khi Viện kiểm sát hỏi đất nông nghiệp bị cáo quảng cáo là đất thổ cư mà không gian dối? Cựu chủ tịch Alibaba trả lời sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị cáo mới lập dự án và dự án này dựa trên những cơ sở mà Luật Đất đai quy định. Bị cáo Luyện khẳng định tuyệt đối không có chuyện không mua đất mà lập dự án.