Điểm sáng cải cách hành chính
Số liệu từ BHXH TP Hà Nội cho biết, 6 tháng 2020, BHXH TP Hà Nội đã giải quyết chế độ BHXH, BH thất nghiệp (BHTN) cho 414.814 lượt người; hơn 5,6 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.
Hà Nội là địa phương tích cực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH |
Ngoài ra, hiện toàn thành phố có gần 7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 199.623 người (2,94%) so với cùng kỳ năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ 86,78% dân số; hơn 1,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 61.060 người (3,64%) so với cùng kỳ năm 2019; 39.760 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 4.397 người so với năm 2019. Đến nay, các hoạt động thu BHXH, BHYT đạt kết quả tốt; công tác chi vẫn trong tầm kiểm soát điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của BHXH thành phố...
Thời gian qua dù có những khó khăn, bất lợi do tác động của dịch Covid-19, nhưng BHXH TP Hà Nội đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường. Đến ngày 25/7/2020, BHXH thành phố đã tiếp nhận 6,34 triệu lượt hồ sơ với tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm muộn chỉ 0,87%.
Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa - nhấn mạnh, cải cách hành chính là điểm sáng của BHXH Hà Nội. Với chủ đề “Trách nhiệm, hiệu quả vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp Thủ đô”, toàn ngành BHXH thành phố đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến trong việc giải quyết các thủ tục hành chính như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, giải quyết kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; triển khai hệ thống thông tin giám định điện tử đảm bảo việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nhanh gọn, chính xác, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân khám nhiều lần trong ngày…
Đặc biệt, Hà Nội đã thí điểm kết nối thành công với ngân hàng trong việc thu, đóng tiền BHXH, BHYT qua đó giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực, phục vụ kịp thời cho công tác tổng hợp số liệu thu, nợ BHXH, BHYT, BHTN và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động trong việc đóng, nộp tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động thông qua hệ thống các ngân hàng. Cung cấp các tiện ích giúp cho đơn vị sử dụng lao động và người dân có thể tìm kiếm, tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ trên toàn thành phố thông qua Cổng thông tin điện tử của ngành; triển khai cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia và được thực hiện bất kỳ nơi nào trên toàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động.
Quyết tâm thực hiện chỉ tiêu 2020
Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, công tác thực hiện chính sách BHXH của Hà Nội cũng đang gặp nhiều bất lợi, việc thực hiện các chỉ tiêu do BHXH Việt Nam, UBND thành phố giao đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, số nợ BHXH, BHYT, BHTN khó đòi của thành phố đã giảm so với những năm trước nhưng vẫn còn chiếm 4,5% kế hoạch thu; nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ BHXH, BHYT, BHTN thời gian dài với số tiền lớn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Công tác giám định BHYT cũng gặp không ít thách thức khi số cơ sở y tế ký hợp đồng rất lớn, tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến đặc biệt...
Tại cuộc họp với BHXH TP. Hà Nội mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà ngành BHXH Hà Nội đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, đặc biệt đánh gia cao ác chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân trong dịch Covid-19. Tuy nhiên, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng chỉ ra một số thách thức mà BHXH TP.Hà Nội cần nỗ lực vượt qua, nhất là công tác phát triển đối tượng so với chỉ tiêu năm 2020 vẫn còn khoảng cách lớn.
Thời gian tới, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, BHXH thành phố cần tập trung vào 2 nhóm đối tượng là hộ kinh doanh trong phát triển BHXH tự nguyện và hộ gia đình trong phát triển BHYT; tập trung phát triển, phát huy hiệu quả các hệ thống đại lý; giao chỉ tiêu một cách quyết liệt, rõ người, rõ việc đến các đại lý, cán bộ. Về công tác chi trả chế độ, phục vụ đối tượng cần đi song hành với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia...
Đồng thời, BHXH TP. Hà Nội cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với công chức, viên chức trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy định của ngành tại BHXH thành phố và BHXH huyện. Phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, viên chức, đảm bảo đúng người, đúng việc, đánh giá cán bộ, viên chức gắn với kết quả công việc đảm bảo công tâm, khách quan…
Hiện nay, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, kéo theo các thách thức lớn đối với công tác thực hiện chính sách BHXH. Tuy nhiên, đại diện BHXH TP. Hà Nội - cho biết, ngành BHXH Hà Nội sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp nhằm giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ phận “một cửa” và tham gia để hoàn thiện phần mềm một cửa điện tử; đẩy mạnh triển khai, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý nghiệp vụ của ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; thực hiện tốt việc tinh gọn, đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, quy trình, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí thủ tục hành chính.
BHXH TP. Hà Nội đang đẩy mạnh cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 tại BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã, phấn đấu 98% số lượng hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn... |