Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video tố bác sĩ Bệnh viện K (cơ sở 2 Tam Hiệp, Hà Nội) về việc mỗi lần đi điều trị xạ trị, bệnh nhân phải "lót tay" nhân viên y tế 200.000 đồng. Thông tin trên được chia sẻ, quan tâm từ dư luận dù không có chứng cứ.
Liên quan đến sự việc, GS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Ngay khi có những phản ánh trên mạng, bệnh viện đã tổ chức họp các phòng ban xác minh thông tin đồng thời phổ biến, rà soát các quy định đã ban hành trong công tác chuyên môn, tinh thần thái độ, giao tiếp với bệnh nhân và người nhà.
GS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K |
Theo quy chế của bệnh viện, những trường hợp nhân viên y tế bị phản ánh về thái độ hoặc có hiện tượng tiêu cực sẽ bị tạm đình chỉ ít nhất 1-2 tuần để xác minh. Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết trong thời gian qua, qua phản ánh của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đã có 4 trường hợp bị đình chỉ công tác liên quan đến thái độ ứng xử.
Về clip có hình ảnh đưa phong bì cho bác sĩ, qua xác minh, bệnh viện phát hiện sự việc xảy ra từ năm 2014. Nhân viên y tế này đã bị kỷ luật và điều chuyển công tác.
Theo ông Quảng, 3 cơ sở điều trị của Bệnh viện K đều trong tình trạng quá tải. Trong đó, khối xạ trị làm việc liên tục 23/24 giờ nên có nguy cơ nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, bệnh viện luôn chấn chỉnh thái độ phục vụ, phòng chống tiêu cực, qua đó đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ có hành vi và thái độ không đúng mực với người bệnh.
Ngày 19/8 vừa qua, bệnh viện đã gửi công văn báo cáo sự việc tới Bộ Y tế; bệnh viện cũng tiến hành rà soát quy trình khám, chữa bệnh, quán triệt lại tinh thần y đức trong toàn bộ cán bộ của bệnh viện. Cùng đó, bệnh viện đã mời cơ quan công an, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh; công khai các số điện thoại đường dây nóng của cả 3 cơ sở.
Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện K để nắm bắt tình hình và chỉ đạo liên quan đến những thông tin phản ánh trên mạng xã hội, GS. Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh, tinh thần của Bộ Y tế là làm rõ, công khai và xử lý nghiêm, "không có vùng cấm" nếu phát hiện tiêu cực.
Đối với vụ việc xảy ra thời gian qua, Thứ trưởng chỉ đạo, bệnh viện cần bám sát các cơ quan chức năng để làm rõ và kịp thời thông tin tới các cơ quan báo chí ngay sau khi có kết quả. Định kỳ lấy ý kiến người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế để kịp thời khắc phục hạn chế những bất cập trong quy trình khám chữa bệnh, giao tiếp, ứng xử… Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ nhân viên trong thực thi nhiệm vụ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có).
Bệnh viện cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống của cán bộ, nhân viên y tế bằng việc tăng thu nhập chính đáng. Đồng thời rà soát lại quy trình khám, chữa bệnh; cắt giảm thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh; tăng cường công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa nhằm giảm tải cho tuyến trên; tăng cường công tác mua sắm, đấu thầu đảm bảo không được thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh; bệnh viện sớm hoàn thiện đề án xây dựng cơ sở 4 trình Bộ Y tế.
Đồng thời, bệnh viện khen thưởng, xử phạt nghiêm minh; công khai số đường dây nóng để kịp thời ý kiến phản ánh của người dân; tăng cường công tác chuyên môn, đào tạo thêm việc giao tiếp, ứng xử đối với bệnh nhân, ngay cả đối với lực lượng bảo vệ.