Gia tăng bệnh tim mạch và ngày càng trẻ hóa
Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tim mạch vẫn đang ngày càng gia tăng. Ở nước ta hiện chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh tim mạch trong cộng đồng, nhưng thực tế bệnh tim mạch gia tăng hàng năm rất nhanh chóng. Hiện có khoảng 20% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Đặc biệt, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi như bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên thì hiện nay các bệnh này có thể gặp ở lứa tuổi dưới 40, thậm chí dưới 30 tuổi. Tỷ lệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi đang gia tăng, chiếm 21,5% tổng số ca mắc bệnh. Theo thống kê của Viện Tim mạch năm 2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi 18 - 65 chiếm 25%, vậy cứ 4 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý tim mạch không lây nhiễm là do lối sống hiện đại theo xu hướng có hại cho sức khỏe như ăn thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu, mỡ; ăn nhiều chất béo no; sử dụng thuốc lá, bia rượu, nước uống có gas, stress; lười vận động… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... và cuối cùng dẫn tới các biến cố tim mạch. Bên cạnh đó, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu. Béo phì dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp, và hội chứng chuyển hoá. Nếu chúng ta không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này sớm thì các bệnh lý tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ. Ngoài ra nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng là yếu tố làm trẻ hóa các bệnh tim mạch.
Hệ lụy của bệnh tim mạch để lại rất nặng nề, không chỉ cho chính bản thân người bệnh mà còn là một gánh nặng cho xã hội |
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được:
Tuổi tác: Tuổi cao là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi hoạt động của tim càng kém hiệu quả, thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến quá trình bơm máu trở nên khó khăn, đó là lý do vì sao nguy cơ mắc tim mạch gia tăng theo độ tuổi.
Giới tính: Nhìn chung, nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới. Tuy nhiên phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh nguy cơ mắc tim mạch sẽ gia tăng nhanh chóng. Bệnh lý tim mạch ở nữ giới cũng thường nặng hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn, nhưng lại thường bị bỏ sót và đến muộn hơn so với nam giới.
Di truyền: Những người trong gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, ví dụ cha mẹ hoặc anh chị em đã từng gặp phải các vấn đề về tim mạch trước tuổi 55, thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bình thường. Ngoài ra những yếu tố rủi ro dẫn đến nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì cũng có thể mang tính chất di truyền.
Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:
Béo phì và thừa cân: Việc thừa cân sẽ làm gia tăng tổng mức cholesterol trong máu. Béo phì có thể tác động tới sự hình thành một số yếu tố nguy cơ tim mạch khác, tiền đề cho xơ vữa động mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu...
Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn khiến nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra hút thuốc lá cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã bị chứng tăng huyết áp; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não, hẹp động mạch ngoại vi... Nguy cơ đột tử của người hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với không hút thuốc ở nam giới và gấp 5 lần ở nữ giới. Trên thực tế, có 30-40% các trường hợp chết vì bệnh mạch vành do hút thuốc lá.
Uống nhiều rượu: Uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch do làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tổn thương gan, biến chứng não (nhất là xuất huyết não) và một số bệnh lý tim mạch khác.
Lười vận động: Những người lười vận động hoặc ít có cơ hội vận động thể chất sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người thường xuyên tập thể dục. Việc hoạt động và tập luyện sẽ đốt cháy calo, giúp kiểm soát mức cholesterol và bệnh đái tháo đường đồng thời giúp huyết áp ổn định. Tập thể dục cũng tăng cường sự dẻo dai cho cơ tim và làm các động mạch linh hoạt hơn.
Theo các chuyên gia, yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch bao gồm: Ăn uống không hợp lý: Ăn nhiều chất béo, mỡ động vật, đồ chiên xào… khiến cơ thể tăng cholesterol, dẫn đến các bệnh về tim.
Bên cạnh đó, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường… cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh tim mạch nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân dẫn đến trẻ hóa các bệnh lý tim mạch là do lối sống hiện đại theo xu hướng có hại cho sức khỏe. Hệ lụy của bệnh tim mạch để lại rất nặng nề, không chỉ cho chính bản thân người bệnh mà còn là một gánh nặng cho xã hội.
Nhận diện các triệu chứng cần đi khám
Khi người bệnh có các biểu hiện sau cần đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời:
Mệt mỏi cực độ: Cảm giác mất hết sức lực, không còn sức để bê, vác, cầm một số đồ vật mà sức nặng chỉ có khoảng 5 đến 7kg.
Cơ thể đau nhức: Có cảm giác căng nhức xung quanh tất cả vùng ngực hay cảm thấy đau tức, bị chèn ép các vùng ở xương ức, vai, cổ…
Chóng mặt, buồn nôn: Khi mắc bệnh, người bệnh có cảm giác chóng mặt, tiêu hóa không tốt, nôn mửa. Tuy người bệnh có cảm giác chịu được những cũng không nên xem nhẹ khi gặp phải hiện tượng này.
Đổ mồ hôi nhiều, liên tục, thường xuyên: Thường bị đổ mồ hôi trong các trường hợp không rõ nguyên nhân và ra mồ hôi nhiều: Toàn thân ướt đẫm, khiến sắc thái cơ thể, mặt mũi bị nhợt nhạt, mệt mỏi.
Khó thở: Hiện tượng khó thở, thở hổn hển khi giao tiếp, nói chuyện… Khi gặp hiện tượng này thì cần chú ý, vì đây là hiện tượng thường gặp nhất đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim.