Thực phẩm nào tốt cho da trong thời tiết hanh khô? |
Nguyên nhân gây bệnh gout
Người mắc bệnh gout hay còn gọi là thống phong, gây cho người bệnh những cơn đau nhức dữ dội và biến chứng nguy hiểm như suy thận, tăng huyết áp… nếu không được điều trị kịp thời và chế độ sinh hoạt hợp lý.
Người mắc bệnh gout thường xuất hiện những cơn đau nhức dữ dội |
Theo TS.BS. Đoàn Huy Cường - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 108: Bệnh gout là do lắng đọng các tinh thể muối urat hoặc tinh thể acid uric gây viêm các khớp. Bệnh thường có những đợt cấp kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mạn tính. Việc dư thừa các tinh thể này chủ yếu thông qua khẩu phần ăn nhiều purin thực phẩm.
Thông thường, axit uric được hòa tan trong máu và đào thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu qua thận. Nếu một người tạo ra quá nhiều axit uric hoặc không bài tiết đủ thì nó có thể tích tụ và hình thành các tinh thể giống như kim.
Bên cạnh đó, người uống nhiều bia, rượu cũng làm tăng lactate trong máu, giảm khả năng bài xuất acid uric qua thận. Đây là cơ sở để acid trong máu tăng, gây nên cơn gout cấp. Người càng uống nhiều bia rượu càng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bác sỹ Đoàn Huy Cường cũng chỉ ra các nguyên nhân chính gây tăng acid uric máu và bệnh gout bao gồm: Nguyên nhân làm giảm bài tiết acid uric (bệnh thận, một số thuốc…), các nguyên nhân làm tăng sản xuất acid uric (chủ yếu thông qua khẩu phần ăn) và các yếu tố khác liên quan như gia đình, di truyền, tuổi, giới…
Bệnh gout kiêng gì?
Tình trạng bệnh gút liên quan trực tiếp đến chế độ ăn, vì vậy, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, bệnh gout nên tránh ăn những thực phẩm giàu purin và fructose cao để kiểm soát được nồng độ axit uric ở mức độ ổn định.
Cụ thể nên tránh các thực phẩm như: Thịt đỏ (bò, lợn, dê…) chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao gồm chất chất đạm (protein), vitamin E, B6, B12 sẽ dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu. Hơn thế các món ăn chế biến từ thịt đỏ sẽ trải qua quá trình tiêu hóa dưới xúc tác của enzym khiến các nhân purin trong thịt đỏ chuyển hóa thành axit uric.
Rau súp lơ được khuyến cáo là thực phẩm người bệnh gout nên dùng nhiều |
Dù vậy, cũng không nên kiêng tuyệt đối thịt đỏ, nên duy trì sử dụng lượng thịt vừa phải, ăn tối đa 2 lần/tuần, không quá 100gr/ngày và chế biến ở dạng luộc, kho hay hấp sẽ tốt hơn ăn nướng, chiên xào, hạn chế được lượng mỡ tối đa nạp vào cơ thể.
Nội tạng động vật (gan, thận, tim, bao tử, óc…) chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, vitamin nhóm B (B2, B6, folate và B12), CoQ10, cholesterol, các chất sắt, kẽm, selen. Mặc dù chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng người bị bệnh gout không nên ăn bởi nội tạng chứa nhiều purin, chính là chất gây tăng nồng độ acid uric trong máu, khiến bệnh sưng, đau nhiều hơn.
Thịt gà tây, thịt ngỗng có chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin B, các khoáng chất, axit amin, sắt, photpho… Thịt gà tây còn chứa purin nên người bệnh gout nên ăn thịt gà ở mức vừa phải, khoảng 110 – 175 mg, với hàm lượng vừa đủ này sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thế và tránh được sự gia tăng purin trong máu.
Hải sản chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bao gồm cả chất purin. Trong hải sản cũng chứa nhiều chất đạm nên người bệnh gout nên hạn chế ăn.
Rượu, bia, đồ uống có đường, bởi rượu làm gia tăng sự tạo acid uric trong gan và ngăn cản thận thải acid uric.
Thực phẩm đóng hộp (nem chua, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng…) hoàn toàn không tốt cho người bệnh gout. Nên sử dụng thực phẩm tươi, tự chế biến để đảm bảo được hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.
Các loại rau có hàm lượng purin cao như đậu lăng, đậu đen, đậu phộng, đậu hà lan, đậu trắng, đậu xanh, cải xoăn, su hào, cải bắp, măng tây, nấm. Hạn chế thực phẩm nhiều fructose: mật ong, siro chứa fructose, các loại trái cây giàu fructose như táo, đào, lê, nho …
Những thực phẩm nào giúp cải thiện bệnh gout?
Người bệnh gút được khuyến cáo nên lựa chọn những thực phẩm phù hợp sẽ giúp hỗ trợ cải thiện bệnh, đó là: Người bệnh nên bổ sung đầy đủ vitamin C mỗi ngày. Nên uống nhiều nước để tăng cường đào thải acid uric. Nên ăn các loại thịt trắng như lườn gà, cá sông… vì thịt trắng có ít purine hơn nhưng vẫn có thể đảm bảo lượng protein cần thiết.
Nên ăn một số loại rau củ có lượng purin thấp như rau cần, súp lơ, rau ngót, rau cải xanh, cà tím, súp lơ, dưa chuột…
Một số loại trái cây nên ăn như chuối, dứa, dâu tây, dưa hấu, cherry…
Bệnh nhân cũng có thể bổ sung trứng, sữa trong chế độ ăn hàng ngày để giảm lượng acid uric trong cơ thể.
Không nên ăn mỡ động vật mà nên thay thể bằng các loại dầu ăn như dầu vừng, dầu oliu, dầu lạc để giảm lượng chất béo hấp thụ.
Trong quá trình chế biến món ăn, người bệnh chỉ nên hấp, luộc, hạn chế món ăn chiên, xào.
Thực đơn lâu dài cho người bệnh: Như chế độ ăn thông thường nhưng hạn chế đạm.
Cơ bản là lựa chọn thực phẩm ít nhân purin. Nếu ăn thịt nên luộc rồi bỏ nước, không nên ăn các loại nước dùng thịt, cá, xương hầm.
Hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê, nước chè. Ăn nhiều rau xanh, các loại quả không chua. Uống đủ nước hàng ngày, đặc biệt là nước khoáng kiềm.
Bệnh gout thường có đợt cấp kịch phát những cơn đau đột ngột, thường khi nửa đêm, kéo dài vài ngày, rồi kết thúc. Các cơn đau tiếp theo phát triển tăng dần xen kẽ những đợt không triệu chứng ngắn. Cuối cùng, một vài cơn đau có thể xảy ra hàng năm và trở thành mạn tính. |