Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 13/11, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16,5 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.
Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV |
Với phương châm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, thiết thực và thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, tại kỳ họp này, một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến được áp dụng và đạt kết quả tốt như: Chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm các hình thức biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị iPad, tổng hợp nhanh ý kiến thảo luận ở tổ, giải trình ý kiến ở tổ trước khi thảo luận ở hội trường...
Trong đó, việc các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra khẩn trương xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu bước đầu ngay sau phiên họp tổ đã giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin để chuẩn bị ý kiến kỹ lưỡng hơn hoàn thiện các dự án, dự thảo, hạn chế phát biểu trùng lắp tại hội trường.
Số lượng ý kiến phát biểu của đại biểu tham gia vào các nội dung của kỳ họp tăng cao hơn hẳn so với các kỳ họp trước. Cụ thể, đã có 2.927 lượt ĐBQH phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 491 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường. Các ý kiến có chất lượng, sâu sắc, toàn diện, tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng, được cử tri đánh giá cao.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 02 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Đồng thời, xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.
“Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, được cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ” - ông Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian 2,5 ngày để chất vấn Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến các vấn đề về chiến lược phòng, chống dịch, vắc xin, quản lý giá xét nghiệm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đội ngũ cán bộ y tế; việc thực hiện các gói hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động, bảo vệ quyền trẻ em, công tác cứu trợ, thiện nguyện.
Tiếp đó, bảo đảm chất lượng dạy và học, an toàn trường học, y tế học đường, tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, việc phân bổ, giao kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Vũ Đức Đam và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm vấn đề chất vấn. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Kết quả phiên chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, tranh luận sôi nổi. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ để đi đến cùng vấn đề chất vấn.
Các thành viên Chính phủ đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị; đồng thời, cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phụ trách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hôi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng Quốc hội đã trả lời câu hỏi được sự quan tâm của báo chí. Liên quan đến việc tổ chức phiên họp chuyên đề của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp thứ 3 và thứ 4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cần có phiên họp chuyên đề của Quốc hội dự kiến tổ chức vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy định của pháp luật. “Chúng tôi mới nhận được một số tài liệu Chính phủ gửi, chưa đầy đủ nên chúng tôi đang tiếp tục đề nghị và nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đúng quy định của pháp luật và đặc biệt là bảo đảm chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra” - Tổng thư ký Quốc hội thông tin.
Trước đây, theo quy định của luật, Quốc hội họp 2 kỳ/năm, trừ năm đầu khóa họp 3 kỳ. Năm nay, nếu tổ chức kỳ họp chuyên đề vào tháng 12 thì sẽ có 4 kỳ. “Chúng ta phải linh hoạt để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Nếu cứ 6 tháng mới họp một lần, nhiều vấn đề cần giải quyết theo thẩm quyền của Quốc hội sẽ làm chậm tốc độ phát triển của đất nước. Vì vậy, sau này sẽ sửa luật để linh hoạt hơn, thậm chí có việc đột xuất có thể họp trực tuyến 1-2 ngày” - Tổng thư ký Quốc hội cho hay.
Đánh giá về phiên chất vấn, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường chia sẻ, phiên chất vấn tiến hành thành công tốt đẹp. Có thể nói kết quả phiên chất vấn làm tiền đề quan trọng để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động Quốc hội, đặc biệt hoạt động giám sát tối cao thông qua hình thức chất vấn, trả lời chất vấn. Nhân dân, cử tri đánh giá hoạt động này đã phản ánh, đánh giá sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội; nội dung trả lời của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các câu hỏi của đại biểu Quốc hội… đều đáp ứng được yêu cầu đề ra.