Chữ ký khô trên hàng loạt văn bằng
Thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh một số bất cập trong công tác quản lý tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chẳng hạn, từ năm 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được ký bằng chữ ký khô (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký của Hiệu trưởng - Giáo sư Trần Phương, nay đã gần trăm tuổi.
Việc sử dụng chữ ký khô của Giáo sư Trần Phương trên các loại văn bằng, chứng chỉ trong nhiều năm nay gây ra nghi vấn ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng tháng 5, trả lời một số câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, chứng từ tài chính có quy định rất rõ về chữ ký tươi và chữ ký điện tử, ngoài ra không có quy định khác về việc có được sử dụng hay không được sử dụng chữ ký khô.
Thứ trưởng cho rằng bằng tốt nghiệp là chứng nhận cuối cùng của một quá trình đào tạo. Ngoài tấm bằng tốt nghiệp thì kết quả đào tạo còn được ghi nhận trong sổ văn bằng chứng chỉ.
"Những người tốt nghiệp từ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn sử dụng bằng cấp như bình thường vì các cơ quan tuyển dụng khi xác minh văn bằng không phải chỉ nhìn trên tấm bằng mà quan trọng xác minh xem sinh viên này có thực sự được tuyển sinh, đào tạo, được cấp bằng hay không. Do đó, việc sử dụng chữ ký khô không ảnh hưởng đến quyền lợi của người học", Thứ trưởng cho biết.
Ông Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiểm sát chặt chẽ chất lượng từ tuyển sinh đến đào tạo tại trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí. (Ảnh: VGP/Quang Thương) |
Nhiều năm không có hội đồng trường
Ngoài dấu hiệu sai phạm trong việc sử dụng chữ ký, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng đang chậm trễ việc thành lập hội đồng trường theo quy định.
Trường được thành lập từ tháng 6/1996, vốn dĩ là một trường dân lập, với nền tảng tài chính được huy động từ nhiều cổ đông. Hiệu trưởng đầu tiên của trường và cho đến nay là Giáo sư Trần Phương, cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, trước đây, chúng ta có 19 trường đại học dân lập, 18 trường đã chuyển thành tư thục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gần đây nhất là Đại học dân lập Công nghệ Sài Gòn đã được chuyển theo quy định.
Hiện, một trường duy nhất chưa chuyển đổi là Đại học dân lập Phương Đông nhưng trường này đã nộp hồ sơ cho Bộ, Bộ đã rà soát hồ sơ và yêu cầu trường hoàn thiện một số nội dung.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nêu rằng khi thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản đôn đốc các trường khi có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục, tiếp tục hoàn thiện bộ máy, đặc biệt là việc thành lập hội đồng trường.
Đối với Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Bộ đã có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục từ năm 2019. Tuy nhiên hiện nay, trường chưa thành lập được hội đồng trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, thực chất trách nhiệm thành lập Hội đồng trường là của các nhà đầu tư và các nhà đầu tư phải phân biệt rõ lợi ích của mình và thống nhất họp để bầu hội đồng trường nhưng việc này các nhà đầu tư chưa làm.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về công tác đào tạo. Còn về mặt tổ chức bộ máy, quản lý tài sản đối với các trường đại học công lập, các cơ quan chủ quản là các bộ, ngành, địa phương. Các trường đại học tư thục quản lý theo địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở, làm việc với đại diện các bên liên quan của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và hướng dẫn trường, nhưng vấn đề này chủ yếu liên quan đến lợi ích của các nhà đầu tư.
Về các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh và đào tạo, trong 5 năm gần đây, từ năm 2020 đến nay, Bộ đã tiến hành một lần thanh tra và 4 lần kiểm tra công tác hoạt động đào tạo, tuyển sinh của trường và cũng đã phát hiện 2 sai phạm liên quan đào tạo liên thông và tuyển sinh vượt số lượng theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, từ năm 2020, theo quy định, Bộ cũng đã xác định chỉ tiêu cho trường. Ngoài ra, gần đây Bộ có quyết định xử phạt về việc chậm trễ thành lập hội đồng trường.