Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm hơn một nửa năng lượng tiêu thụ toàn cầu, trong khi đó vẫn có khoảng 10% dân số bị thiếu điện. Kiến tạo năng lượng bền vững cho tương lai, xây dựng một nguồn cung năng lượng bền vững, đáng tin cậy, hợp lý về giá cả, nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng hiệu quả, bền vững đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, qua đó, nhằm đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế, tạo nhiều việc làm và hình thành các ngành công nghiệp mới, nâng cao phúc lợi xã hội và đạt được mức carbon bằng không vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, các chuyên gia năng lượng quốc tế, cho rằng, cần xác định rõ các xu thế chuyển đổi tiến tới năng lượng bền vững. Trong đó, cần phải tiếp cận được nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, chi phí hợp lý và bền vững. Ông H.E. Alfonso G.Cusi - Thư ký Ban Năng lượng của Philippines, dẫn ví dụ: Hiện Philippines có khoảng 95% xã hội đã được cấp điện. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nước này đang gặp phải, đó là an ninh năng lượng, khi mà hạ tầng năng lượng nằm trong tay tư nhân. Do vậy, Philippines xác định cần phải tìm ra sự cân bằng giữa khả năng tiếp cận, chi phí và tính bền vững của năng lượng. Đồng thời, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng Hydrogen, tìm các giải pháp thích hợp về công nghệ điện phân cho các nhà máy điện…
Bảy xu hướng cho năng lượng bền vững: Xác định tiếp cận nguồn cung năng lượng đáng tin cậy, chi phí hợp lý và bền vững; tăng cường sự đóng góp của năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững lâu dài; tối ưu công nghệ để sử dụng năng lượng hiệu quả và sạch hơn; nắm bắt kịp thời các nguồn năng lượng mới nổi và sạch hơn (Hydrogen); số hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hệ thống truyền tải hiệu quả và được chấp nhận trong tương lai; tiếp cận nguồn vốn cạnh tranh, bền vững thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; hợp tác để thay đổi bức tranh toàn cảnh năng lượng. |
Tăng cường sự đóng góp của năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững và lâu dài. Ông Arifin Tasrif - Bộ trưởng Bộ Năng lượng & Tài nguyên khoáng sản Indonesia, cho biết: “Indonesia đã và đang đưa nhiều năng lượng tái tạo vào hệ thống, hướng tới tỷ trọng chiếm khoảng 23% nguồn cung vào năm 2025, gia tăng thêm khoảng 38 GW công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo vào năm 2035. Indonesia hiện có nhiều nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu và gas tự nhiên, cũng như tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo.
Định hướng của Indonesia trong 10 năm tới, là nâng cấp công nghệ nhằm xây dựng năng lực và cơ sở hạ tầng truyền tải trọng điểm, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo; đồng thời, giảm tiêu dùng xăng dầu. Hiện Indonesia có khoảng 5.200 nhà máy điện dầu diesel, Chính phủ nước này đang nghiêm túc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với mục đích giảm 0,7 triệu tấn khí thải carbon.
Tối ưu công nghệ vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả và sạch hơn. Theo tiến sỹ Jochen Eickholt, thuộc Siemens Energy AG: Xu hướng phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương không chỉ là một khu vực phát triển nhanh nhất, sử dụng nhiều năng lượng, mà còn phải là thị trường chuyển đổi năng lượng nhanh nhất dựa trên các công nghệ giảm thải carbon. Trong những năm tới, châu Á - Thái Bình Dương cần chuyển dịch than đá sang khí gas và cung cấp các công nghệ lưới điện hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo.
Chú trọng nắm bắt các nguồn năng lượng mới nổi xanh (Hydrogen). Tại Australia, Hydrogen xanh đang được coi là chìa khóa chính để đạt tới kỳ vọng xuất khẩu năng lượng xanh cho khu vực và ra thế giới. Hiện Australia đang triển khai thực hiện tầm nhìn Hydrogen bằng kế hoạch hành động mở rộng quy mô sản xuất hydro tái tạo cho tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Ứng dụng các công nghệ số hóa và trí tuệ nhận tạo (AI) hình thành hệ thống truyền tải hiệu quả và được chấp nhận trong tương lai. Theo ông Ronnie L. Aperocho - Phó Tổng Giám đốc Công ty Networks Meralco (Philippines), số hóa chính là tương lai. Điều này, sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả quản lý và hiệu suất năng lượng, hiệu suất lao động, đặc biệt trong thời kì dịch bệnh. Tuy nhiên, gia tăng số hóa và sử dụng AI cho phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững, cần phải có sự hợp tác và ủng hộ của các chính phủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành năng lượng khu vực cho vấn đề này.
Đẩy nhanh chuyển đổi thành công sang năng lượng bền vững. Ông Christian Bruch - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Siemens Energy - cho rằng, để làm được việc này, cần phải có các nguồn tài chính ổn định, tiếp cận được các nguồn vốn có giá cạnh tranh và bền vững. Chẳng hạn, tại châu Âu, nhu cầu dự báo sẽ cần khoảng 30.000 tỷ Euro đến năm 2050 cho việc giảm thiểu carbon toàn hệ thống. Để đạt mục tiêu quan trọng này, châu Âu cần phải huy động nguồn vốn tư nhân, cần có khung điều kiện về chính sách cho phù hợp. Để đạt mục tiêu phát thải carbon bằng 0, phải hoàn thiện chuỗi cung ứng về sự hiểu biết, hợp tác và đồng thuận giữa các bên gồm các nhà lập pháp, chính phủ và người tiêu dùng. Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị, lập pháp và các chính sách, sự đồng thuận và sẵn sàng chấp nhận thay đổi của khách hang trong việc chi trả một mức giá cao hơn cho năng lượng tái tạo.
Cuối cùng, hợp tác cũng là yếu tố quan trọng nhằm thay đổi bức tranh toàn cảnh về năng lượng trong khu vực. Theo ông Francesco La Camera - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tương lai năng lượng bền vững, cần có sự hợp lực giữa khu vực công và tư. Nguồn vốn tư nhân cần đẩy nhanh đầu tư với sự hợp tác của khu vực công; các công ty năng lượng cần chuyển đổi kết hợp các chiến lược kinh doanh vào các mô hình kinh doanh khả thi, phát triển các dự án và thúc đẩy đổi mới công nghệ.